Ấn Độ: Nấm đen hiếm gặp ở bệnh nhân Covid-19, tăng tình trạng nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 21-5, Ấn Độ cho biết họ đang nỗ lực làm việc để giảm bớt tình trạng thiếu thuốc điều trị một căn bệnh nấm hiếm gặp đối với bệnh nhân Covid-19, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này lao đao vì một làn "sóng thần" nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Nấm đen chết người", một loại nấm khó chữa với tỷ lệ tử vong cao.

"Nấm đen chết người", một loại nấm khó chữa với tỷ lệ tử vong cao.

Các trường hợp mắc bệnh nấm loại mucormycosis, hay còn gọi là "nấm đen", một tình trạng nghiêm trọng có thể gây mờ mắt, đau đầu, khó thở và xuất hiện các đốm đen trên mũi hoặc trong khoang miệng, đã gia tăng nhanh chóng ở Ấn Độ. Loại bệnh này chủ yếu xuất hiện ở các bệnh nhân Covid-19 do thể trạng của họ lúc này còn yếu, không có sức đề kháng chống đỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 50%.

Tính đến ngày 19-5, Ấn Độ ghi nhận ít nhất 7.250 trường hợp trên khắp cả nước bị mắc căn bệnh quái ác này. Trên một dòng tweet ngày 21-5, Thủ tướng Narendra Modi chia sẻ: "Trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 của Ấn Độ, một thách thức mới đã xuất hiện, đó là nấm đen".

Giữa bối cảnh “cơn bão” Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội, số ca nhiễm của Ấn Độ được ghi nhận cao thứ hai trên thế giới với khoảng 250.000 ca nhiễm, 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Chính vì vậy, "nấm đen chết người" xuất hiện đã khiến Ấn Độ đối mặt với lưỡi hái tử thần kép.

Một số bang của Ấn Độ như Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, cho biết họ đang cạn kiệt amphotericin B (thuốc điều trị nấm đen) khi các trường hợp bệnh tăng đột biến và phải khẩn thiết yêu cầu chính quyền liên bang cung cấp thêm. Bộ trưởng Y tế Maharashtra, Rajesh Tope nói với phóng viên: "Một bệnh nhân mắc nấm đen cần 60 đến 100 mũi tiêm amphotericin B. Với lượng ca bệnh hiện tại, chúng tôi cần hơn 150.000 mũi tiêm".

Điều này bắt buộc Bộ Y tế Ấn Độ phải khẩn trương tìm kiếm thêm các công ty sản xuất thuốc kháng nấm amphotericin B, đồng thời cũng tăng nhập loại khẩu thuốc này sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường.