Ấn Độ muốn mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân Soryu của Nhật Bản

ANTĐ - Ngày 29-1, tờ Thời báo Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đề xuất với Tokyo về khả năng cân nhắc mua 6 chiếc tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình lớp Soryu của Nhật Bản.

Trước đó, nội các Ấn Độ đã phê duyệt Dự án 75I để mua 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện trị giá 500 tỷ rupee (8,1 tỷ USD) nhằm tăng cường sức mạnh tấn công dưới nước cho hải quân nước này. Theo yêu cầu của chương trình, loại tàu ngầm mới phải có khả năng tàng hình, trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất và có hệ thống động cơ không khí độc lập AIP.

Dự kiến, các nhà thầu sẽ tham gia chương trình này gồm có tập đoàn Rosoboronexport của Nga, DCNS của Pháp, Deutsche Werft-Hovaldsverke của Đức và Navantiya của Tây Ban Nha. Nhiều khả năng tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản sẽ là nhà thầu mới tham gia chương trình.

Dự án 75I yêu cầu các tàu ngầm này sẽ phải được đóng tại Ấn Độ, nên các công ty nước ngoài muốn cạnh tranh hợp đồng sẽ phải thành lập một liên danh chung với một đối tác Ấn Độ.

Tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu của Nhật Bản

Các nhà phân tích quân sự cho rằng tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các mẫu tương tự của các nước kể trên do chúng được áp dụng một số công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Với trọng lượng 4.200 tấn, tàu ngầm lớp Soryu có kích thước lớn hơn nhiều so với tàu Type 214 của Đức, tàu Scorpene của Pháp hoặc tàu Kilo cải tiến của Nga và có thể mang được nhiều vũ khí hơn. Kích thước này cũng làm cho chúng chạy êm hơn và có tầm hoạt động lớn hơn các loại tàu hiện có trên thị trường.

Đề xuất của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm khi mà New Delhi và Tokyo đang tăng cường quan hệ dưới sự lãnh đạo của ông Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo cùng mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa này, đang nỗ lực tăng cường hình ảnh của nước mình trong khu vực, được cho là muốn hướng tới một mối quan hệ chặt chẽ hơn, có thể giúp nâng cao cơ hội của Tokyo trong cuộc cạnh tranh này.

Nó cũng diễn ra khi mà Nhật Bản đang nỗ lực đột phá vào thị trường vũ khí toàn cầu sau khi họ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước ngoài tự áp đặt từ nhiều thập kỷ trước. Từ khi lệnh cấm được bãi bỏ, Nhật Bản cũng đã đàm phán bán cho Ấn Độ các thủy phi cơ tìm kiếm, cứu nạn ShinMaywa US-2i.

Thời báo Ấn Độ cho rằng, có thể phải mất 2 năm để nước này lựa chọn được nhà thầu và có thể mất 7 tới 8 năm nữa mới đóng được chiếc tàu ngầm đầu tiên.