Ấn Độ hạt chế xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, nhiều nước lâm nguy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau khi Ấn Độ tuyên bố hạn chế xuất khẩu để đối phó với dịch bệnh trong nước, các quốc gia đang phát triển đang hối hả tìm nguồn cung cấp vaccine chống Covid-19.

Theo tờ Wall Street Journal, một cuộc chiến vaccine toàn cầu đang bùng nổ sau khi Ấn Độ tuyên bố hạn chế xuất khẩu vaccine do nhu cầu trong nước tăng cao.

Trước đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) ký hợp đồng cung cấp vaccine của AstraZeneca cho 64 quốc gia đang phát triển thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay, COVAX đã giúp cung cấp 28 triệu liều vaccine AstraZeneca tới hơn 60 quốc gia.

Việc chính quyền Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine đồng nghĩa kế hoạch phân phối 90 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại quốc gia này trong tháng 3 và 4 sẽ không thể đạt được.

“Chúng tôi muốn hỗ trợ thế giới, nhưng phải tính toán lại thời gian giao hàng do năng lực sản xuất và nhu cầu tiêm chủng trong nước tăng cao”, một quan chức Ấn Độ tuyên bố.

Thế giới đang thiếu hụt vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển

Thế giới đang thiếu hụt vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển

Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, nước này rất trông chờ vaccine từ COVAX. Lô vaccine đầu tiên có kế hoạch đến Pakistan từ đầu tháng 3 nhưng giờ đây nước này phải tìm nguồn cung khác, có thể từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y sinh Rwanda, Sabin Nsanzimana cho biết, quốc gia này đã tiêm chủng toàn bộ 342.960 liều vaccine nhận từ COVAX và không biết đến bao giờ mới được nhận thêm vaccine.

Giám đốc điều hành chương trình vaccine của WHO ở châu Phi, Richard Mihigo cho biết, tổ chức này và các cơ quan đứng sau COVAX đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ về vấn đề xuất khẩu vaccine đã cam kết trong tháng 3 và 4.

COVAX đề ra mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine cho 92 quốc gia đang phát triển trong năm 2021. 75% lượng vaccine này được sản xuất tại Ấn Độ. COVAX hi vọng sẽ giúp các nước đang phát triển tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số dễ bị mắc bệnh nhất.