Ấn Độ giúp huấn luyện phi công Su-30MK2 Việt Nam, ASEAN được lợi?

ANTD.VN - Theo truyền thông quốc tế, việc Ấn Độ giúp huấn luyện phi công Su-30MK2 Việt Nam cũng khiến New Dehli có cơ hội tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN.

Theo nguồn tin của truyền thông Ấn Độ, nước này đã đạt được thỏa thuận đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 cho Việt Nam. Theo đó, các phi công chúng ta sẽ học tập và huấn luyện ở Ấn Độ, trên máy bay chiến đấu Su-30MKI của nước này.

Như vậy, sau hơn hai năm đàm phán, cuối cùng Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận đầy triển vọng về việc huấn luyện sử dụng các chiến đấu cơ dòng Su-30 do Nga chế tạo. Cùng với đó là một số điều khoản khác về củng cố và mở rộng hợp tác quốc phòng.

Bình luận về vấn đề này, giới truyền thông quốc tế nhận định rằng, sự hợp tác ngày càng mật thiết giữa Việt Nam với Ấn Độ cho thấy, hai bên có những mối quan tâm chung về an ninh quốc gia, cùng với các vấn đề quốc tế và trong khu vực, đặc biệt là về an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Giới truyền thông nước ngoài còn nhấn mạnh, ngay từ năm 2013, New Dehli đã giúp Hà Nội huấn luyện nhiều kíp, với hàng trăm thủy thủ tàu ngầm Kilo (Kilo là tên định danh NATO, chỉ tàu ngầm Diesel-điện thuộc Project 636 - lớp Varshavyanka của Nga).

Ngoài ra, có những nguồn tin cho rằng, hiện hai nước đang thảo luận về việc Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa hành trình chống hạm siêu âm lừng danh BrahMos. Theo đó, Việt Nam được xếp vào danh sách khách hàng “ưu tiên số 1” của Ấn Độ.

Truyền thông Ấn Độ cho hay, nước này giúp Việt Nam huấn luyện phi công Su-30 và thủy thủ tàu ngầm Kilo

Không quân Việt Nam hiện nay đang sở hữu hàng chục máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 do Nga sản xuất, trong khi Không quân Ấn Độ (IAF) sở hữu hơn 200 máy bay cùng thế hệ là Su-30MKI. Ngoài Nga ra, Ấn Độ chính là quốc gia vận hành nhiều máy bay dòng Su-30 nhất.

Hơn nữa, ngoài việc đã có hơn 20 năm điều khiển các máy bay tiêm kích hạng nặng dòng Su-30, các phi công Ấn Độ còn có những cơ hội huấn luyện quý báu với các dòng chiến đấu cơ đình đám của Mỹ và NATO như F-15, F-16, Rafale hay Eurofighter Typhoon.

Nếu được huấn luyện ở Ấn Độ, các phi công Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm quý, đồng thời có cơ hội quan sát và trực tiếp tham dự những cuộc tập trận của không quân Ấn Độ cũng như các cuộc diễn tập không quân đa quốc gia khác.

Từ việc Ấn Độ giúp Việt Nam huấn luyện phi công máy bay chiến đấu Su-30 và thủy thủ tàu ngầm Kilo, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang sử dụng Su-27 và Su-30 như Malaysia và Indonesia cũng có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

Theo giới truyền thông, Ấn Độ coi Việt Nam là khách hàng ưu tiên mua tên lửa BrahMos

Như vậy, nhờ việc sở hữu các loại vũ khí phổ biến nhưng có tính năng tiên tiến của Nga, Ấn Độ có thể trở thành một đối tác lớn đối với một số nước ASEAN trong lĩnh vực quân sự.

Hiện nay, Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng nguồn cung cấp vũ khí hiện đại cho một số nước ASEAN (ví dụ như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar…) và đang cố gắng tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong khu vực nhằm xoa dịu những căng thẳng trên Biển Đông.

Mỹ cũng đang rất tích cực trong vấn đề tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, cả Nga và những nước EU cũng đang mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật, tiếp xúc quân sự, gửi nhiều tàu chiến theo định kỳ tới khu vực này.

Trải qua vài thập kỷ tiếp nhận những công nghệ quân sự của Liên Xô/Nga, các chuyên viên quân sự và chuyên gia kỹ thuật Ấn Độ hiện đã có đủ khả năng cung cấp hỗ trợ trong huấn luyện quân sự, sửa chữa, bảo trì và hiện đại hóa các thiết bị quân sự phức tạp cho các nước Đông Nam Á.

Tính cạnh tranh này giữa các cường quốc có thể mang đến lợi ích cho bản thân các nước ASEAN, giúp họ nâng cao chất lượng huấn luyện quân đội và công nghiệp quốc phòng, đạt được quyền tự chủ hơn trong các vấn đề chính sách quốc phòng và đối ngoại.