Ấn Độ có thể hủy hợp đồng Rafale, tăng lượng mua Su-30MKI

ANTĐ - Theo thông tin của Economic Times, Ấn Độ có khả năng mua thêm máy bay chiến đấu Su-30MKI của Nga, nếu hợp đồng mua sắm Rafale của Pháp thất bại.

Hợp đồng mua sắm Rafale có thể không thành

Theo tờ Economic Times, vào tháng 1-2015 New Delhi chờ đợi phái đoàn từ Paris tới để hoàn thành cuộc thương lượng và ký hợp đồng trị giá 20 tỷ USD, bán 126 máy bay chiến đấu đa năng tầm trung cho không quân nước này, tuy nhiên rất có thể thương vụ này sẽ không thành công.

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Nga TASS, trong các cuộc đàm phán sơ bộ đã nảy sinh một số quan điểm bất đồng không nhỏ về quá trình chuyển giao công nghệ và vấn đề trị giá hợp đồng bị tăng gấp đôi. Điều đó khiến cho nguy cơ không đạt được thỏa thuận là rất lớn.

Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cho biết, không quân nước này đang xem xét khả năng mua thêm máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng Su-30MKI của Nga, trong trường hợp hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp bị thất bại.

Quyết định về thương vụ mua sắm 126 chiếc máy bay chiến đấu của Pháp được thực hiện năm 2012 sau cuộc mở thầu tìm đối tác, nhưng tới nay Bộ Quốc phòng Ấn Độ và nhà sản xuất máy bay Pháp Dassault Aviation vẫn đang có khúc mắc về một số điều khoản hợp đồng.

Theo điều kiện hồ sơ dự thầu, 18 chiến đấu cơ đầu tiên sẽ chế tạo ở Pháp, hơn trăm chiếc còn lại được sản xuất tại Ấn Độ, theo theo giấy phép cấp cho Tập đoàn chế tạo hàng không quốc gia Hindustan Aeronautics Limited (HAL). Đây cũng là một khúc mắc lớn bởi Dassault không chịu bảo hành cho số máy bay lắp ráp ở Ấn Độ.

Trước đây, vào ngày 4-9-2014, các phương tiện truyền thông nước này cũng đưa tin, Tư lệnh không quân Ấn Độ cho biết, do vấn đề tài chính, nước này có thể không thực hiện được đơn đặt hàng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale với hãng hàng không Dassault của Pháp, do đến nay giá trị của chúng đã lên đến hơn 20 tỷ USD.

Có thể Ấn Độ sẽ mua thêm Su-30MKI thay cho Rafale?

Trong khi đó, thông tấn xã Đức cũng cho biết, nước này đang mời chào Ấn Độ mua sắm máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon do tập đoàn Eurofighter GmbH có trụ sở tại bang Bavaria của Đức chế tạo. Điều đáng chú ý là Berlin mới chào New Dehli với mức giá rất hấp dẫn là chưa tới 10 tỷ USD cho 126 chiếc Typhoon.

Ngoài ra, Thụy Điển cũng đang đánh tiếng với Ấn Độ về máy bay chiến đấu hiện đại, khá được ưa chuộng trên thị trường thế giới là Jas-39 Gripen. Giá của loại máy bay này cũng rẻ hơn rất nhiều so với Rafale. Ngoài ra, Ấn Độ cũng còn lựa chọn hấp dẫn là tiếp tục mua Su-30MKI hoặc có thể là cả Su-35.

Giá cả của Su-30MKI cũng rẻ hơn so với Rafale, tương đương với Typhoon, hơn nữa Ấn Độ đã quá quen với loại máy bay này. Ngoài ra, tiêm kích số 1 của Nga hiện nay là Su-35 cũng có giá dễ chịu hơn Rafale, trong khi đó tính năng của loại máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Nga được cho là vượt trội loại máy bay của Pháp.

Vừa qua, cũng có thông tin cho rằng Ấn Độ đang hoài nghi tính chắc chắn của hợp đồng mua sắm với Pháp, khi nước này không chịu bàn giao tàu sân bay Mistral cho Nga để ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ và EU, mặc dù hợp đồng đã được ký kết trước khi xảy ra vụ khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Người Ấn lo lắng, nếu giả sử một mai họ xảy ra chiến tranh vì tranh chấp chủ quyền đối với Trung Quốc (một đối tác quan trọng của Pháp) hay Pakistan (quan hệ rất tốt với Trung Quốc), các nước này có thể gây sức ép đòi Pháp không được giao máy bay cho Ấn Độ thì Paris sẽ tính sao trong bối cảnh đã có “tiền lệ” từ Nga?

Ấn Độ mua Su-30MKI sẽ thuận lợi hơn

Có rất nhiều vấn đề quan trọng khiến việc Ấn Độ quay lại với Su-30MKI sẽ thuận lợi hơn, so với mua sắm các máy bay chiến đấu châu Âu là nước này đã quen sử dụng các chiến đấu cơ Nga, ví dụ như MiG-21/27/29 và tương lai sẽ mua sắm thêm chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 là FGFA (phiên bản xuất khẩu của Sukhoi T-50 PAKFA của Nga).

Máy bay chiến đấu Rafale của Dassault Aviation Pháp

Ngoài ra nước này còn có hàng loạt loại máy bay Nga như máy bay tiếp dầu Il-78, máy bay vận tải hạng nặng Il-76 hay máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không A-50 hoặc máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N… Việc sử dụng đồng bộ các loại máy bay cùng một tiêu chuẩn sẽ có những thuận lợi nhất định trong chỉ huy tác chiến hay hiệp đồng, bảo đảm.

Đồng thời, công tác bảo dưỡng sửa chữa cũng có nhiều thuận lợi do việc có sẵn các cơ sở kỹ thuật và đội ngũ nhân viên có thể phục vụ được nhiều loại máy bay cùng một tiêu chuẩn. Nếu mua sắm các loại máy bay khác, Ấn Độ sẽ phải xây dựng các cơ sở kỹ thuật bảo đảm khác cùng một đội ngũ nhân viên kỹ thuật mới hoàn toàn.

Điều này sẽ khiến Ấn Độ mất một khoảng thời gian rất dài để xây dựng và đào tạo được đội ngũ kỹ thuật phục vụ, bảo đảm lành nghề, trong bối cảnh trình độ công nghệ hàng không của Ấn Độ được coi là không tốt. Hơn nữa, nó cũng ngốn một khoản ngân sách không nhỏ để bảo đảm các hạng mục trên.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là nếu tiếp tục mua Su-30MKI, Ấn Độ sẽ không phải mua máy bay huấn luyện mới và mất thời gian đào tạo đội ngũ phi công mới, trong bối cảnh nước này đang thiếu phi công trầm trọng. Việc đào tạo được một phi công máy bay chiến đấu thành thạo một loại máy bay mới cũng mất không dưới 5 năm.

Hiện Ấn Độ đang hợp tác với Nga trong khá nhiều kế hoạch thuộc lĩnh vực hàng không ví dụ như chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA. New Dehli đóng góp 35% trong tổng chi phí ước tính 6 tỉ USD của dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50. Sau khi hoàn tất phát triển, Không quân Ấn Độ có thể sẽ mua đến 200 chiếc máy bay loại này.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI được trang bị những vũ khí hết sức hiện đại

Năm 2003, sau khi đặt mua ba chiếc máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không A-50EI, hoàn thành giao hàng trong năm 2010. Ấn Độ rất hài lòng về tính năng của nó nên đã tiếp tục mua thêm. Tháng 8 vừa qua, nước này đã đặt mua thêm ba chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm loại này, sử dụng hệ thống radar EL/W-2090 của Israel.

Một “đứa con chung” nổi bật khác là máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MKI được Nga chuyển giao bản quyền cho Ấn Độ vào năm 2000. Su-30MKI được xem là máy bay tiêm kích tấn công tầm xa vào loại tối tân hiện nay trên thế giới với tầm bay 8.000 km, tốc độ tối đa đạt Mach 2,35, trang bị tên lửa hành trình tối tân BrahMos và nhiều vũ khí “khủng” khác.

Hiện nay, không quân Ấn Độ đang được trang bị 120 chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI, trong tương lai họ dự định sẽ xây dựng lực lượng không quân hùng mạnh, với xương sống là 270 - 300 chiếc Su-30MKI. Số lượng máy bay dự kiến sẽ đạt được vào năm 2018.

Hồi đầu tháng 8-2014, Giám đốc điều hành Tập đoàn RAC MiG là Sergei Korotkov cho hay, Nga đã giao 11 máy bay chiến đấu MiG 29K/KUB cho Ấn Độ. Loại tiêm kích hạm này được coi là ưu việt hơn Su-33 của Nga và J-15 của Trung Quốc, với loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa Kh-35UE, có tầm bắn tới 260km.

Hãng thông tấn Nga Interfax cho biết, Ấn Độ sẽ nhận thêm 5 chiếc nữa vào cuối năm nay. Số máy bay này sẽ được trang bị trên tàu INS Vikramaditya và tàu sân bay quốc nội INS Vikrant. Tổng cộng, Ấn Độ sẽ đặt mua tới 45 chiếc để trang bị cho loạt tàu sân bay của mình (năm 2010 đã đặt mua 29 chiếc với giá 1,5 tỷ USD).