Ấn Độ cảnh báo xu hướng dùng rắn làm vũ khí giết người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tòa án Kerala (Ấn Độ) vừa đưa ra phán quyết trong vụ chồng giết vợ bằng rắn độc. Trước đó, đoàn thẩm phán tại bang Rajasthan cũng đã cảnh báo xu hướng mới nổi lên, đó là dùng rắn làm vũ khí giết người.
Sooraj S Kuma cuối cùng đã nhận bản án đích đáng vì sử dụng vũ khí đặc biệt để giết hại vợ mình

Sooraj S Kuma cuối cùng đã nhận bản án đích đáng vì sử dụng vũ khí đặc biệt để giết hại vợ mình

Tòa án ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ ngày 13-10 đã kết án Sooraj S Kuma tù chung thân về tội giết người cùng 17 năm tù vì nhiều tội danh khác. Là một chuyên gia động vật hoang dã, Sooraj đã giết vợ mình vào tháng 5-2020 bằng cách đặt một con rắn hổ mang đã bị bỏ đói 1 tuần vào giường nơi người vợ đang ngủ say vì thuốc ngủ. Đáng nói, hắn mua rắn hổ mang sau lần giết vợ thất bại vào khoảng 2 tháng trước đó.

Cảnh sát Kerala khi điều tra lịch sử điện thoại phát hiện ra rằng, Sooraj đã liên lạc với những người nuôi rắn và cũng đã xem các video về rắn trên mạng. Vào tháng 3-2020, gã chồng 27 tuổi này đã mua một con rắn lục, cho cắn người vợ 25 tuổi có tên Uthra, nhưng cô thoát chết và phải nằm viện suốt hai tháng.

Trong lúc Uthra vẫn đang trong quá trình hồi phục tại nhà của cha mẹ đẻ, Sooraj mua tiếp một con rắn hổ mang và ném con vật vào người vợ tội nghiệp đang ngủ say. Sau đó, hắn ở chung phòng với vợ và bình thản như không có chuyện gì xảy ra. “Hắn ta vẫn duy trì các thói quen như thường ngày, vào buổi sáng hôm sau thì mẹ Uthra phát hiện bất thường và la hét. Họ đã đưa Uthra đến bệnh viện nhưng bác sĩ nói rằng cô đã chết”, cảnh sát cho hay.

Cha mẹ của Uthra đã sinh nghi khi chứng kiến Sooraj cố gắng giành quyền sở hữu tài sản của vợ mình chỉ vài ngày sau khi cô qua đời. Tuy vợ xuất thân từ một gia đình giàu có nhưng Sooraj - người làm việc trong một ngân hàng tư nhân - có hoàn cảnh không khá giả. Hai vợ chồng đã có một đứa con một tuổi. Khi kết hôn, Uthra có của hồi môn khổng lồ bao gồm gần 100 đồng vàng, một chiếc xe ô tô mới và khoảng 500.000 rupee (khoảng 20.000 USD) bằng tiền mặt. “Sooraj sợ rằng nếu ly dị Uthra, anh ta phải trả lại tất cả của hồi môn. Đó là lý do Sooraj quyết định giết vợ”, cảnh sát tuyên bố. Sau sự việc, người cung cấp rắn cho Sooraj cũng bị bắt giữ. Tại tòa, đội ngũ chuyên gia nói rằng, vết rắn cắn trong tình huống ngẫu nhiên thường chỉ khoảng 1,8 cm, còn nạn nhân vụ án bị cắn sâu gần 2,8 cm, chứng tỏ Sooraj đã kích động con rắn.

Tương tự, bang Rajasthan mới đây cũng xét xử vụ án mạng liên quan đến 3 đối tượng bị cáo buộc giết người. Nạn nhân là bà Subodh Devi bị sát hại năm 2019. Theo cáo trạng, Alpana - con dâu của bà Devi - ngoại tình khi người chồng là quân nhân đi làm nhiệm vụ xa nhà. Bà Devi phát hiện và yêu cầu Alpana chấm dứt ngay mối quan hệ bất chính. Tuy nhiên, Alpana cùng người tình được cho là đã mua một con rắn với giá 10.000 rupee (132 USD). Họ để con rắn trong một chiếc túi gần giường Devi lúc bà ngủ, rắn cắn khiến bà qua đời.

Luật sư của bị cáo cho rằng không thể buộc tội một người không ở gần hiện trường và thậm chí không tìm thấy hung khí, nhưng phía thẩm phán cho rằng hoàn toàn có thể, nếu vũ khí giết người là một con rắn và thủ đoạn giết người này đang trở thành xu hướng mới. Các trường hợp tử vong do rắn cắn tại Rajasthan rất thường xảy ra, nên ban đầu cảnh sát không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, hướng điều tra thay đổi khi Alpana cùng người tình bị phát hiện gọi cho nhau đến 124 cuộc điện thoại vào ngày bà Devi chết.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 58.000 người Ấn Độ bị rắn cắn. Nghề huấn luyện rắn rất phổ biến ở quốc gia Nam Á này.