Ấn Độ buông lỏng ngành công nghiệp “đẻ thuê”

ANTĐ - Chỉ cần lo đủ chi phí, những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể gửi tinh trùng hoặc phôi sang Ấn Độ nhờ mang thai hộ, một thời gian sau đến đón con về. Dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ đã trở thành một ngành công nghiệp “đẻ thuê” nhưng nghịch lý là các hoạt động này vẫn nằm ngoài pháp luật.

Niềm vui của 2 bà mẹ, chị Jennifer Benito-Kowalski người Mỹ
và người mang thai hộ người Ấn Độ

Bùng nổ dịch vụ “đẻ mướn”

Nữ giám đốc khách sạn người Anh Rekha Patel đang vỗ về cô con gái mới sinh tại bệnh viện Akanksha ở tây bắc Ấn Độ. Daniel, chồng bà nở nụ cười ấm áp nhìn qua cửa kính. “Không thể tin rằng cuối cùng chúng tôi cũng có con”, bà Patel, 42 tuổi, mê mẩn nhìn cô bé Gabrielle 5 ngày tuổi nói. “Chúng tôi thực sự biết ơn người mẹ đã mang thai hộ giúp cho con gái chúng tôi khỏe mạnh. Cô đã bỏ ra 9 tháng của cuộc đời mình để cho chúng tôi một đứa trẻ”.

Cơ sở dịch vụ y tế này nổi tiếng ở Anand - một thị trấn nhỏ ở bang Gujarat này được coi như “thủ phủ đẻ mướn” của Ấn Độ. Nó có đủ căn hộ dành cho khách hàng là các cặp vợ chồng phương Tây đến tham quan, một tầng cho các bà mẹ mang thai hộ, khu văn phòng, khu hộ sinh, bộ phận thụ tinh ống nghiệm, chưa kể có cả nhà hàng và cửa hàng lưu niệm. Nayna Patel - chủ sở hữu Akanksha, cũng là chuyên gia thụ tinh ống nghiệm danh tiếng cho biết, họ đã giúp sinh hộ được hơn 500 trẻ, 2/3 số khách hàng là người nước ngoài và người gốc Ấn sinh sống tại 30 quốc gia trên thế giới.     

“Tôi từng bị chỉ trích là sản xuất trẻ con, bán trẻ con và sẽ còn có điều tiếng trong tương lai. Nhưng đó cũng chính là phụ nữ giúp nhau. Những người mang thai hộ có việc làm, đơn thuần là việc làm được trả lương. Với số tiền nhận được, người mang thai hộ có thể mua một căn nhà, trả phí học hành cho con cái, thậm chí bắt đầu kinh doanh nhỏ - những điều trước đây họ chỉ có thể mơ ước. Việc này có lợi cho cả đôi bên”, bà Nayna Patel cho biết.

Chi phí mà cặp vợ chồng như Rekha và Daniel bỏ ra trung bình từ 25.000 đến 30.000 USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với tại Hoa Kỳ, trong đó người mang thai hộ được trả khoảng 400.000 rupi (8.000 USD). Với Naina Patel 33 tuổi, người đã sinh ra Gabrielle, cô phải sống trong viện suốt 9 tháng cùng với 60 người khác để theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Naina Patel có chồng làm nghề lái xe lam cùng 3 con gái nheo nhóc. Giống như hầu hết những người mang thai hộ, cô vẫn phải giữ kín chuyện này do sự kỳ thị của xã hội. “Tôi vui khi làm điều này, nhưng thực sự cũng không có sự lựa chọn nào khác bởi chúng tôi cần tiền”, Naina nói khi vẫn nằm trên giường bệnh sau ca sinh mổ.

Tương tự, chị Papiya mang thai đôi cho một cặp vợ chồng ở Mỹ cho biết, chị có kế hoạch dùng số tiền được trả để xây một ngôi nhà mới cho gia đình. “Một cặp song sinh có nghĩa là tiền thù lao được trả nhiều hơn. Lần trước khi mang thai hộ, tôi đã dành tiền để mua hàng hóa, một chiếc ô tô và cho họ hàng vay”. 

Khoảng trống pháp lý

Ấn Độ thực hiện chính sách mở cửa cho ngành thương mại đẻ thuê từ năm 2002. Đây là một trong số ít quốc gia như Gruzia, Nga, Thái Lan và Ukraine cùng một vài tiểu bang Hoa Kỳ cho phép phụ nữ được nhận tiền để sinh con cho người khác thông qua quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sau đó cấy phôi.

Công nghệ chi phí thấp, các bác sĩ có tay nghề cao và nguồn cung dồi dào đã cho Ấn Độ trở thành điểm đến ưa thích cho du lịch hỗ trợ sinh sản, thu hút công dân từ Anh, Mỹ, Australia và Nhật Bản tìm đến. Không có con số chính thức nhưng một nghiên cứu được Liên hợp quốc hỗ trợ hồi tháng 7-2012 ước tính, ngành kinh doanh đẻ mướn tại đây doanh thu ở mức hơn 400 triệu USD mỗi năm, với hơn 3.000 cơ sở có dịch vụ này.

Nhưng cũng tại đất nước này, những người bảo vệ nữ quyền lên án rằng, các nhà hộ sinh tại đây không khác gì “nhà máy sản xuất trẻ em” dành cho người giàu. Theo họ, vì hiện giờ chưa có bất cứ điều luật quy định liên quan đến hoạt động này nên nhiều phụ nữ nghèo và thất học bị các tay môi giới dụ dỗ, ký hợp đồng thuê đẻ mà không lường hết mọi việc.

Đơn cử như hồi tháng 5-2012, Premila Vaghela, 30 tuổi qua đời ngay sau khi sinh một đứa trẻ cho cặp vợ chồng người Mỹ tại một bệnh viện ở Gujarat. Hồ sơ cảnh sát kết luận, đó là “cái chết do tai nạn”. Một nghiên cứu do chính phủ tài trợ gần đây khảo sát 100 bà mẹ mang thai hộ ở New Delhi và Mumbai phát hiện ra rằng không có một nguyên tắc nào cho việc bồi thường và chăm sóc sức khỏe đối với những sản phụ này. Nhiều trường hợp, các bà mẹ này phải cấy ghép phôi nhiều lần để tăng cơ hội thành công. “Phần lớn trường hợp các bà mẹ mang thai hộ này bị lợi dụng, khai thác cạn kiệt”, ông Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội kết luận trong nghiên cứu trên.

Một dự luật mang tên Luật về Công nghệ hỗ trợ sinh sản nhằm bảo vệ người mang thai hộ, đứa trẻ cũng như cam kết về phía vợ chồng người bỏ tiền nhờ sinh hộ vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Theo đó, tất cả các cơ sở hỗ trợ sinh sản phải đăng ký và do một cơ quan quản lý giám sát. Người mang thai hộ phải từ 21 đến 35 tuổi, họ sẽ được cấp thẻ bảo hiểm và phải có hợp đồng công chứng giao kèo với cha mẹ đứa trẻ.