Ấn Độ bắt sống “thánh nhân” tự xưng

ANTĐ - Cảnh sát Ấn Độ ngày 18-11 đã phải sử dụng vòi rồng để trấn áp và bắt giữ một người tự xưng là “thánh nhân”, tự cho mình có quyền lực đặc biệt của thần thánh nên hành động ngông cuồng. Sau khi bị bắt giữ, con người thật của ông ta mới bị phơi bày.

Ấn Độ bắt sống “thánh nhân” tự xưng ảnh 1Baba Rampal Maharaj khi bị cảnh sát bắt giữ

Phớt lờ 43 lệnh triệu tập

Trong cuộc trấn áp, nhà chức trách bang Haryana, phía bắc Ấn Độ đã huy động hàng nghìn cảnh sát tới bao vây ngôi đền được xây dựng kiên cố với những bức tường cao được gia cố bằng dây thép gai ở thành phố Barwala, nơi “thánh nhân” tự xưng Baba Rampal Maharaj, 63 tuổi cố thủ bên trong. Tại đây, cảnh sát đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của hàng trăm phần tử vũ trang ủng hộ ông ta. Không chỉ vậy, Baba còn sử dụng phụ nữ và trẻ em làm “lá chắn sống” ngay trước cửa đền. Để tạo bước đột phá, nhà chức trách Ấn Độ đã cắt nguồn cung cấp điện và nước cho khu đền rộng 5ha này. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai bên kéo dài nhiều ngày và chỉ chấm dứt vào đêm 18-11 khi cảnh sát  dùng xe ủi phá sập một bức tường để tiến vào trong đền, bắt giữ Baba. 

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 19-11, Cảnh sát trưởng bang Haryana, S. N. Vashisht, cho biết, cảnh sát đã phải đối mặt với một nhóm đối tượng sẵn sàng cố thủ bên trong. “Những tín đồ này đã thủ sẵn bom xăng, súng, gạch đá, gậy gộc và cả những chai axít để chống trả cảnh sát”, ông S. N. Vashisht nói. Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng dùi cui và vòi rồng để giải tán đám đông. Trong cuộc đụng độ dữ dội này, khoảng 200 người đã bị thương, trong đó có cả nhân viên cảnh sát, 430 phần tử quá khích bị bắt giữ. Cảnh sát cũng cho biết, khi vào trong đền, họ phát hiện thi thể của 5 phụ nữ và 1 trẻ em 18 tháng tuổi. Hiện thi thể họ đã được đưa đi khám nghiệm tử thi và nguyên nhân vụ việc tiếp tục được điều tra. 

Trước đó, cảnh sát Ấn Độ được lệnh bắt bằng được Baba sau khi “thánh nhân” tự xưng này liên tiếp phớt lờ 43 lệnh triệu tập của tòa án với cáo buộc tội âm mưu giết người, kích động đám đông và nổi loạn khi ra lệnh cho các tín đồ bắn dân làng hồi năm 2006 khiến 1 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Tuy nhiên, xuất hiện tại tòa án hôm 20-11, Baba khẳng định mình vô tội và tất cả các cáo buộc chống lại ông ta đều là giả. 

Ấn Độ bắt sống “thánh nhân” tự xưng ảnh 2Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán đám đông

Lật tẩy ổ phi pháp

Baba từng là một kỹ sư tại cơ quan thủy lợi bang Haryana, nhưng bị sa thải vào năm 2000 vì bất cẩn trong công việc. Ngay trước khi bị sa thải, ông ta đã thành lập khu đền ở Satlok Ashram và bắt đầu nổi danh khi bài xích nhà triết học nổi tiếng Ấn Độ Swami Dayanand Saraswati.

Theo trang web chính thức của Baba, các tín đồ của ông ta tỏ ra hiếu chiến, thường đụng độ với các tín đồ của phong trào cải cách đạo Hindu, Arya Samaj do Saraswati sáng lập. Sau cuộc ẩu đả đầu tiên xảy ra năm 2006,  Baba cùng một số tín đồ của ông ta đã bị tống giam. Tuy nhiên, vụ bắt giữ này lại khiến ông ta nhận thêm sự ủng hộ và được nhiều người biết đến. Từ đó, Baba tự xưng là “thánh nhân”, tự cho mình có quyền lực siêu phàm, nên hành động ngông cuồng, ngang ngược. 

Ông ta cho lập một “đội quân” được trang bị vũ khí “đến tận răng”. Theo báo chí Ấn Độ, trong cuộc khám xét khu đền của Baba, cảnh sát đã tìm thấy hàng trăm khẩu súng trường, súng lục, đạn dược, bao cao su, ma túy, phim ảnh khiêu dâm và thậm chí có cả 1 chiếc máy quay bí mật lắp đặt bên trong nhà vệ sinh nữ. Không chỉ vậy, “thánh nhân” tự xưng này còn rất giàu có khi sở hữu dàn xe sang trong đó có dòng xe BMW và Mercedes. Bên trong khu đền có các phòng trang bị điều hòa nhiệt độ dành cho các tín đồ thân cận của Baba, phòng thuyết giáo được lắp đặt màn hình tinh thể lỏng, bể bơi, giường massage…

Ngoài ra, Baba còn lập trang Facebook cá nhân và đăng tải các bài thuyết giáo trên kênh YouTube để các tín đồ tiện theo dõi. Baba được cho là có những người sùng bái tại các khu vực như Haryana, Uttar Pradesh, Rajasthan, Madhya Pradesh, Punjab và New Delhi. Ngoài ngôi đền Satlok Ashram, Baba cho xây dựng một ngôi đền khác ở Barwala. Ông ta còn sở hữu các bất động sản ở Madhya Pradesh, Rajasthan và New Delhi.  

Nhiều người Ấn Độ coi các “thánh nhân” là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ và giúp họ “khai sáng” tinh thần. Bởi vậy, họ thường xuyên cúng tế tiền bạc, lương thực thực phẩm cho các “thánh nhân” này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dư luận Ấn Độ đã nhiều lần chấn động bởi những vụ bê bối của các “thánh nhân”, trong đó, hồi năm ngoái, một “thánh nhân” đã bị truy tố vì quấy rối tình dục 1 nữ sinh.