Ăn đêm và nguy cơ ung thư dạ dày

ANTĐ - Những người thường xuyên ăn đêm liệu có đối mặt với nguy cơ bị ung thư dạ dày? Có nhiều tài liệu khẳng định có, song cũng có nhiều ý kiến phản bác. Dù sao thì việc ăn xong đi ngủ ngay cũng vẫn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Ăn đêm và nguy cơ ung thư dạ dày ảnh 1

Vẫn còn tranh cãi

Theo cách lý giải của các nhà khoa học Nhật Bản, dạ dày cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, việc ăn uống lúc đêm khuya sẽ khiến dạ dày không có thời gian nghỉ, làm cản trở sự phục hồi của niêm mạc dạ dày, lâu ngày gây tổn hại niêm mạc dạ dày, dẫn đến ung thư. 

Các nhà nghiên cứu cho biết, các tổn thương mà bữa ăn muộn gây ra cho dạ dày là rất lớn, vì đời sống tế bào biểu mô dạ dày rất ngắn, khoảng 2-3 ngày lại tái tạo một lần. Quá trình tái tạo này thường diễn ra vào ban đêm, khi đường tiêu hóa không phải làm việc. Nếu bạn thường xuyên ăn vào ban đêm, niêm mạc dạ dày sẽ không có lúc nào để thực hiện quá trình tái tạo. Ngoài ra, các thực phẩm chúng ta ăn vào ban đêm tích lại trong dạ dày, sẽ thúc đẩy sự tiết dịch dạ dày, kích thích dạ dày, dẫn đến khả năng miễn dịch bị suy yếu, gây ra các vết loét. Nếu như thực phẩm bạn ăn lại thuộc dạng chiên, nướng, nhiều chất béo, thì những chất gây ung thư bên trong đó còn làm tổn thương dạ dày nghiêm trọng hơn. 

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia Trung Quốc, niêm mạc dạ dày cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể, luôn tái tạo không ngừng. Niêm mạc đường tiêu hóa là một trong những mô phát triển nhanh nhất trong cơ thể, duy trì sự cân bằng giữa tế bào mới và tế bào chết đi. Khoảng 3-5 ngày, niêm mạc dạ dày lại được tái tạo hoàn chỉnh một lần. Do vậy, việc ăn bữa muộn không liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày. “Vấn đề không phải là thời gian ăn, mà là việc bạn ăn cái gì. Ví dụ như ăn quá nhiều muối và thực phẩm có chứa muối mới là những yếu tố nguy cơ thực sự liên quan đến ung thư dạ dày”, bác sỹ Lâm Tú Thanh, bệnh viện số 1 Thượng Hải cho hay.

“Kẻ địch” của hệ tiêu hóa

Mặc dù có vẻ như không có bằng chứng trực tiếp chỉ ra rằng ăn đêm liên quan đến ung thư dạ dày, nhưng nếu ăn quá muộn và đi ngủ ngay sau khi ăn thực sự có thể mang lại một số rắc rối cho hệ tiêu hóa của bạn.

Một số nghiên cứu cho thấy ăn xong ngủ ngay có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày - trào ngược thực quản. Nếu axit bị trào ngược trong một thời gian dài, nó có thể dần dần phát triển thành các tổn thương tiền ung thư, do đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Bên cạnh đó, việc ăn ngũ cốc thô cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản. Ngũ cốc thô gồm ngô, kê, gạo tím, yến mạch, kiều mạch, lúa mỳ và các loại đậu khô như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ… Việc ăn ngũ cốc nguyên hạt, ở một chừng mực nào đó thì có lợi cho sức khỏe bởi vì cellulose trong ngũ cốc thô có thể ức chế sự hấp thụ cholesterol, giảm mỡ máu, kích thích nhu động ruột, ngừa táo bón. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt làm tổn thương thực quản trong quá trình nuốt. Các tổn thương thường xuyên, sẽ làm tăng sự hao mòn của các niêm mạc thực quản, gây ra bệnh ung thư thực quản. 

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng phòng chống ung thư phải bắt đầu từ "ăn"; tức là duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: không ăn dưa chua, không ăn thực phẩm hun khói và rán, không ăn thức ăn bị mốc, không hút thuốc, uống nhiều nước, ăn nhiều rau tươi và trái cây. Khi khó chịu vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau khi ăn, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, nôn mửa thường xuyên, nên tham khảo ý kiến một bác sĩ để sớm phát hiện nguy cơ ung thư.