Số phận kỳ lạ của 3 chuông đồng cổ (2)

Ẩn danh hơn 1.000 năm

ANTĐ - Không ly kỳ như chuông Vân Bản, cũng không nằm trong kho của bảo tàng như chuông Thanh Mai, chuông Nhật Tảo từng treo nhiều năm trời ngoài cửa đình ở Đông Ngạc. Cũng may, chuông cổ không bị đánh cắp do thời bấy giờ chẳng ai biết giá trị thật sự của chiếc hồng chung này.

Vật vô giá treo ở cửa đình 

Ẩn danh hơn 1.000 năm   ảnh 1
Đình Làng Nhật Tảo nơi lưu giữ quả chuông quý

Được phát hiện bởi ông Phạm Văn Thắm, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Văn Chỉ của làng, ngay sau đó quả chuông được người dân địa phương treo luôn tại sân Văn Chỉ. Mãi đến năm 1994 khi chính quyền xã Đông Ngạc làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử, người dân nơi đây mới phát hiện, quả chuông đó có lịch sử lên tới hơn 1.000 năm.

Theo ông Đặng Văn Đường, thủ từ đình Nhật Tảo, trước đây, quả chuông vẫn được treo ở đình Nhật Tảo mà không ai biết giá trị lịch sử to lớn của nó. Vào năm 1952, giặc Pháp về thôn chiếm đình, bắt dân làng phải chuyển hết đồ thờ tự về Văn Chỉ, khi đó chuông bị di dời và được treo phía ngoài di tích này. Trải qua hơn 20 năm chiến tranh, Văn Chỉ cũng như đình Nhật Tảo bị tàn phá nặng nề, tiền đường, trung đường và hậu cung đều không còn, không mấy ai để ý đến số phận chiếc chuông cổ. Thế là từ khi được phát hiện năm 1987 cho đến năm 1994, chuông Nhật Tảo vẫn phơi nắng phơi sương tại cửa Văn Chỉ vì bấy giờ, đình Nhật Tảo được sử dụng làm trường học. Năm 1994, sau khi chính quyền huyện Từ Liêm cùng nhân dân địa phương đầu tư, xây dựng lại, đình Nhật Tảo mới chính thức thỉnh chuông về. Và cũng từ đấy, người dân mới biết chiếc chuông vẫn dùng để gõ hàng ngày ở Văn Chỉ có giá trị to lớn như thế nào. 

Canh cánh nỗi lo 

Chuông Thanh Mai đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử

Nhưng cũng chính vì giá trị của chuông đã được nhiều người biết đến nên từ đó người dân địa phương lại canh cánh với nỗi lo bị mất đi bảo vật này. Ông Hoàng Đình Bảng, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo chia sẻ, từ lúc biết quả chuông đồng có niên đại đến hơn 1.000 năm, Tiểu Ban quản lý di tích đình, chùa Nhật Tảo đã nghĩ ra nhiều biện pháp bảo vệ cũng như bảo quản báu vật này. Thời gian đầu, chuông còn được chôn xuống dưới đất không để ai biết, nhưng sau do lo lắng chuông cổ bị hỏng, các ông đã bàn nhau đưa chuông lên để sau tấm bình phong treo ở nóc đình. Mỗi lần kiểm tra chuông, phải bắc thang dài lên, gỡ tấm bình phong xuống mới có thể lấy được chuông. Giờ chiếc chuông cổ đã được di dời đến một nơi khác, an toàn hơn mà theo ông Bảng cho biết, muốn lấy được chuông nếu biết cách và có đủ 3 người thì cũng phải mất 2 tiếng mới đưa được chuông ra. Hơn nữa, chuông cũng được để cách mặt đất để chống ẩm và cứ 3 tháng lại được đưa ra ngoài lấy không khí của trời đất. 

Cũng không thể trách sự vô tâm của người dân địa phương đối với quả chuông những năm về trước. Bởi, riêng việc xác định niên đại của chuông Nhật Tảo cũng xảy ra nhiều tranh cãi. Những tranh cãi nổ ra xung quanh bài minh được viết trên chuông năm Càn Hoà thứ 6. Nhưng nếu đem chiếu theo lịch sử nước ta, chưa bao giờ chúng ta có niên hiệu Càn Hòa. Sau khi các nhà khoa học nghiên cứu một thời gian dài mới đưa ra quan điểm cuối cùng, Càn Hoà là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, đóng đô ở Quảng Châu. Trước đó 10 năm chính nước này đã đem quân xâm lược nước ta và đại bại trên sông Bạch Đằng. Từ đó có thể khẳng định tuy Ngô Quyền đã giành được độc lập nhưng vẫn chưa định niên hiệu, việc dùng niên hiệu của Nam Hán là bởi lý do như vậy. Chính vì thế chuông Nhật Tảo càng có giá trị to lớn hơn, đây có thể coi là sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ từ thế kỷ 10 của Việt Nam. Trong bài minh có nhắc đến năm Giáp Thìn (944) - đó cũng là năm Ngô Quyền mất. 

Mặc dù có giá trị to lớn như vậy, thêm vào việc, đình Nhật Tảo đã từng xảy ra nhiều vụ mất trộm. Hầu hết cổ vật trong đình đều đã bị mất cắp. Hiện nay chỉ còn mỗi đôi chân đèn và chiếc chuông Nhật Tảo là còn giữ lại được. Và vị trí xứng đáng cho chiếc chuông nên chăng phải ở Bảo tàng Quốc gia, nơi có đủ điều kiện để bảo quản và đảm bảo an toàn cho chuông Nhật Tảo?