Ăn chay thực dưỡng – Cách giữ thân khỏe, tâm an

ANTD.VN - Ngày 15/6, Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích, Nguyên Giám đốc Viên Y học hàng không đã có buổi chia sẻ về phương pháp “Ăn chay thực dưỡng” tại Cửa hàng chay Tâm An Lạc. Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức căn cốt nhất về “Ăn chay thực dưỡng” cho những người tu tập, Thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích còn giải đáp những thắc mắc cho từng quý phật tử nhằm lan tỏa biện pháp ăn chay để có một thân khỏe, tâm an.

Ăn chay có nhiều lợi lạc, nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: “Không gì đem lại lợi ích cho sức khỏe và sự tồn vong của trái đất này bằng việc chuyển hóa sang chế độ ăn chay”, ăn chay giúp giảm được lượng thịt đáng kể.

“Nhưng để có sức khỏe viên mãn chúng ta nên ăn chay thực dưỡng, phương pháp này tốt hơn ăn chay thường là bởi vì ăn chay thực dưỡng chúng ta hoàn toàn quay về với thiên nhiên phù hợp với trật tự vũ trụ, thức ăn thuần thiên nhiên sẽ giúp cho cơ thể khai thác được năng lượng trực diện của chính mình”, bác sĩ Quách Văn Mích mở đầu buổi chia sẻ bằng với lời khuyên chân thành đến quý phật tử, trước khi đi vào giải thích cụ thể về phương pháp ăn chay này.

Các phật tử tham dự buổi chia sẻ về phương pháp “Ăn chay thực dưỡng” tại nhà hàng chay “Tâm An Lạc”

Theo bác sĩ Mích, chúng ta nên thay hoàn toàn gạo trắng bằng gạo lứt vì gạo lứt là hạt của sự sống. Khi ngâm hạt gạo lứt trong 24 tiếng, chúng sẽ nảy mầm. Phần vỏ cám bọc bên ngoài hạt gạo lứt rất có giá trị, có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin  và chất chống oxi hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải nhận biết được thực phẩm nào âm, thực phẩm nào dương để nấu nướng cho quân bình.

Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích, Nguyễn Giám đốc Viên Y học hàng không chia sẻ về phương pháp “Ăn chay thực dưỡng”

Chia sẻ về nguyên do tổ chức buổi trao đổi giữa bác sĩ Mích và các phật tử về chủ đề “Ăn chay thực dưỡng”, bà Vũ Thị Xuân Qúy, chủ chuỗi nhà hàng chay Tâm An Lạc cho biết: “Tiêu chí của Tâm An Lạc là “Thuần tự nhiên, đủ dinh dưỡng” rồi mới đến trợ duyên cho người tu. Chúng tôi đã hội tụ đươc rất nhiều những chuyên gia về thực dưỡng, dưỡng sinh, những đơn vị sản xuất thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cũng như trợ duyên cho những người tu được tinh tấn. Để giúp cho các phật tử, bao gồm các đầu bếp của nhà hàng cũng như thực khách có thêm kiến thức về “Ăn chay thực dưỡng”, tôi đã quyết định tổ chức buổi giao lưu này với sự tham gia chia sẻ của bác sĩ Quách Văn Mích, nguyên Giám đốc viện Y học hàng không, đồng thời ông cũng là người biên soạn cuốn sách “Phương pháp thực dưỡng Ohsawa” đang được nhiều người áp dụng".

Bà Vũ Thị Xuân Qúy (thứ 2 từ phải qua), chủ chuỗi nhà hàng chay Tâm An Lạc

Giúp các phật tử cũng như thực khách tin tưởng và yên tâm, bác sĩ Mích đã dẫn chứng việc áp dụng phương pháp ăn chay thực dưỡng từ bản thân: “Cách đây 13 năm, khi về hưu, trong người tôi có rất nhiều bệnh mãn tính, mỗi tháng phải dùng đến 3-4 triệu tiền thuốc. Tôi đã chuyển sang ăn chay trường nhưng chỉ đỡ một chứ không khỏi hẳn. Sau đó cơ duyên đã dẫn tôi đến “Ăn chay thực dưỡng” từ việc ngẫm những lời dạy của Giáo sư Tôn Thất Tùng, một người thầy đáng kính của tôi: “Chữa bệnh đòi hỏi một sự hiểu biết về tâm lý con người và ta chỉ nên dùng thuốc khi những phương pháp tự nhiên không có hiệu lực”.

Một số món chay thực dưỡng được bài trí hấp dẫn của nhà hàng chay Tâm An Lạc

Cùng với động lực đó và lời dạy của cụ tổ Y học hiện đại Hippocrates: “Thức ăn là thuốc, nếu không hiểu biết về thực phẩm làm sao có thể hiểu bệnh tật của con người”. Xâu chuỗi những lời căn dặn đó đã giúp bác sĩ Mích chọn lựa phương pháp là “Ăn chay thực dưỡng”. Qua thực chứng khoảng 1 năm, bác sĩ Mích đã không phải dùng thuốc và còn tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân khác.

Cuốn sách ăn chay thực dưỡng Ohsawa đã tái bản lần thứ 25, trong cuốn sách tác giả, nhà thuốc nhân dân Quách Văn Mích đã chắt lọc những nội dung chính cả về lý thuyết và thực hành về ăn uống thực dưỡng, đây là kim chỉ nam giúp cho những phật tử chọn phương pháp có được thân khỏe, tâm an.