Ăn chặn tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng do Covid-19 có thể bị tử hình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, CAQ Bình Tân, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thanh Minh (SN 1983, ở Bình Tân) về hành vi “tham ô tài sản” do ăn chặn tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Phan Thanh Minh là Phó Trưởng khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Trong thời gian phường thực hiện gói hỗ trợ của UBND TP Hồ Chí Minh đến với các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Minh đã lợi dụng quyền hạn của mình, dùng các thủ thuật để “ăn chặn” tiền hỗ trợ của người dân.

Trong vụ người dân nhận gạo nhưng phải ký nhận tiền được phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân làm sáng tỏ, Chủ tịch phường phải xuống xin lỗi dân vì sự nhầm lẫn của những người làm nhiệm vụ.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý những người có liên quan. Liên quan đến sự việc này nhiều người đặt câu hỏi: Với việc bị khởi tố về Tội tham ô, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải đối diện với mức hình phạt nào?

Nhiều người dân nhận gạo nhưng phải ký nhận tiền

Nhiều người dân nhận gạo nhưng phải ký nhận tiền

Điều 353 BLHS 2015 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh… thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 15-20 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, Tội tham ô tài sản trực tiếp xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, xâm phạm quan hệ sở hữu. Về mặt khách quan, người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của mình.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản, được thực hiện một cách công khai hoặc bí mật. Chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn đầy đủ hai điều kiện, đó là người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, đối với vụ án xảy ra tại quận Bình Tân, hành vi của bị can đã tác động đến tài sản mà người này có trách nhiệm quản lý. Đó là tài sản của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phân phát đến đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, cơ quan điều tra sẽ đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả hành vi, giá trị số tiền, hàng bị can chiếm đoạt để xem xét khung tội danh.

“Bị can thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, tài sản dùng để “cứu trợ người dân trong diện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19” nên có thể bị xem xét tình tiết định khung tăng nặng tại điểm đ, khoản 2 Điều 353 với khung hình phạt 7-15 năm tù” – Luật sư Hồng Vân nhận định.