Amsterdam chống đỡ với quá tải khách du lịch

ANTD.VN - 10 năm trước, Thủ đô Amsterdam, Hà Lan bơm tiền để kích cầu du lịch nhằm phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đến hiện nay, ngay cả khi thành phố phải thắt chặt quy định đối với khách du lịch, liệu họ có thoát khỏi sự quá tải ngoài tầm kiểm soát?

Du khách chen chân trong khu phố đèn đỏ ở Amsterdam

Cuối tuần trước, bà Els Iping, 64 tuổi, một nhà tư vấn về thời trang bắt gặp một nhóm nam du khách “tưới cây” cho bụi cây trước nhà bà ở trung tâm Amsterdam. Họ mặc trang phục màu hồng và say khướt. “Những việc kiểu như thế này xảy ra suốt”, bà nói. 

“Khổ sở” vì làm khách ngay nhà mình 

Trong 10 năm trở lại đây, bà Iping đã chứng kiến sự thay đổi lớn của khu phố bà ở do sự tăng trưởng chưa từng có về du lịch. “Ngày cuối tuần hiện nay bắt đầu từ chiều thứ năm hàng tuần. Tiếng hò hét của khách du lịch vang lên ngay cửa sổ nhà tôi”.

Bà Iping tâm sự: “Ngày trước quanh đây có cửa hàng thuốc, thủy sản, hiệu làm tóc phục vụ người dân địa phương, nhưng giờ chỉ có cửa hàng bán kem, quà lưu niệm, đặc biệt là họ bán một loại pho mát đóng gói sẵn. Không người dân Amsterdam nào mua loại pho mát đó”. Người phụ nữ lớn tuổi này nói thêm, điều đó làm cho bạn cảm thấy như là một vị khách tại chính nơi mình ở. Ngay cả khách du lịch đến đây cũng phàn nàn đi đâu họ cũng chỉ thấy dân du lịch.

Ông Bert Nap, một nhà văn và giáo viên tiếng Pháp 59 tuổi đã sống gần khu phố đèn đỏ của Amsterdam hơn 40 năm qua nhớ lại, ngày trước, người ta đi du lịch có mùa, còn hiện tại đường phố lúc nào cũng chật kín du khách.

“Tôi không có ý phải đối việc dẫn khách du lịch qua khu phố tôi ở. Nhưng mọi việc sẽ khác khi khoảng 40 người chặn cửa nhà bạn để nghe một hướng dẫn viên thuyết trình 20 phút”. Ông Bert Nap giải thích: “Vấn đề là Amsterdam luôn quảng cáo đây là thành phố mà mọi thứ đều có thể. Đó là lý do tại sao nhiều khách du lịch muốn tận hưởng không khí tiệc tùng hoang dã. Họ làm những việc mà ở nhà họ cũng không dám mơ tới”.

Hệ lụy của quá tải du khách

Ở một khía cạnh nào đó, thực trạng nhức nhối này là do chính thành phố Amsterdam tự “mang dây buộc mình”. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Amsterdam đã quyết định đầu tư mạnh mẽ về du lịch để vượt qua khó khăn. “Cuộc khủng hoảng giáng một đòn nghiêm trọng vào lĩnh vực tài chính của chúng tôi. Thành phố nhận thấy du lịch chính là chiếc phao cứu sinh”, ông Sebastiaan Meijer, phát ngôn viên của Hội đồng thành phố phụ trách các vấn đề kinh tế cho biết.

Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tích cực khuyến khích các nhà phát triển bất động sản xây dựng khách sạn trong thành phố và tổ chức tiếp thị khắp thế giới, quảng bá Amsterdam như một điểm đến du lịch hàng đầu. Kết quả có lẽ quá rõ. Trong khoảng 10 năm qua, số lượng khách sạn ở Amsterdam tăng 61%, lượng khách du lịch tăng vọt từ 11 triệu lượt năm 2005 lên gần 18 triệu lượt người vào năm 2016.

Mốc tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt 23 triệu du khách trong năm 2030. Tuy nhiên, con số đó quá nhiều cho một thành phố chỉ có 850.000 dân với một trung tâm có từ thế kỷ 17. Nhiều đường phố và ngõ hẻm ở đây đơn giản, quá hẹp để cho phép lượng lớn du khách đi qua. “Hiện giờ chúng tôi đã nhận ra cần xem lại vấn đề này. Amsterdam muốn trở thành một thành phố hiếu khách, nhưng quá nhiều khách du lịch kéo theo nhiều hệ lụy xấu”, ông Sebastiaan Meijer nói.

Mùa hè vừa rồi, các cư dân của những điểm du lịch hàng đầu châu Âu là Venice và Barcelona quyết liệt phản đối tác động tiêu cực của ngành du lịch với cuộc sống cư dân địa phương. Gần đây, Thủ đô của Hà Lan đi tiên phong khi đề ra một loạt biện pháp chống lại sức ép về quá tải du lịch.

Trong đó, có thể kể đến như siết chặt quản lý căn hộ cho thuê, cấm xây mới khách sạn hay không cấp phép thêm cho cửa hàng phục vụ khách du lịch ở trung tâm phố cổ, đặc biệt là cấm lưu hành loại hình xe đạp có khoảng 12 người với quầy bia đi cùng mà du khách vốn rất ưa thích.