Âm thầm sau những chiến công

(ANTĐ) - Sau hơn 2 năm triển khai, các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin tội phạm đang được hình thành và phát triển, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Âm thầm sau những chiến công

(ANTĐ) - Sau hơn 2 năm triển khai, các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin tội phạm đang được hình thành và phát triển, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Năm 2006, Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia thuộc Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C27) được thành lập theo Quyết định 1597 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng thống nhất xây dựng, quản lý và khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu tội phạm, tổ chức tiếp nhận, cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin trong các cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an. 

Địa chỉ tin cậy của các cơ quan tố tụng

Trong nhiều vụ án, khi các cơ quan điều tra dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm dẫn đến một số vụ án đi vào bế tắc thì Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia luôn là địa chỉ tin cậy, góp phần tạo nên những chiến công, giúp cơ quan điều tra tìm ra được tên tuổi, địa chỉ đối tượng gây án để tiến hành điều tra, truy bắt đúng người, đúng tội. Điển hình gần đây là các vụ: Qua thông báo của Trung tâm về kết quả tra cứu vân tay hiện trường phát hiện đối tượng gây ra vụ cướp tài sản giá trị rất lớn với thủ đoạn táo tợn tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh ngày 7-11-2008 là Phạm Văn Sang, (SN 1986), trú tại thị xã Sóc Trăng.

Từ nút mở này, Công an Tây Ninh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác định và bắt thêm 5 đối tượng trong băng cướp. Cũng từ dấu vết vân tay hiện trường vụ trộm tài sản ngày 25-11-2008 tại 165/25 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, Trung tâm đã phát hiện đối tượng Phạm Xuân Tưởng (SN 1984), thường trú ở Hải Dương đã có 2 tiền án cũng chính là thủ phạm của vụ trộm tài sản ngày 27-10-2008 tại quận Đống Đa, Hà Nội và đang trong thời gian bị Công an Đống Đa bắt tạm giam.

Ngày 17-3-2009, Công an Long An bắt tạm giam đối tượng Lê Thành Trọng (SN 1966) trú tại Cao Lãnh, Đồng Tháp về hành vi trộm cắp tài sản và đề nghị Trung tâm tra cứu. Qua tra cứu các hệ thống CSDL tại Trung tâm đã phát hiện tên Lê Thành Trọng có tới 12 tiền án, tiền sự và đang bị Công an Tây Ninh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia cũng là đơn vị quản trị hệ thống nhận dạng vân tay Việt Nam (VAFIS), quản lý công tác nhập, chuyển đổi tra cứu, khai thác chỉ bản vân tay 10 ngón các đối tượng bị lập căn cước can phạm từ thủ công vào CSDL điện tử phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án hình sự và các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và yêu cầu chính đáng của công dân. Đơn vị đã bố trí cán bộ trực quản trị kỹ thuật 24/24, đảm bảo cho hệ thống VAFIS hoạt động phục vụ công tác chuyển đổi, tra cứu và khai thác, thực hiện sao lưu dữ liệu hàng ngày và cuối tuần bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu VAFIS.

Tra cứu tại hệ thống nhận dạng vân tay tự động VAFIS
Tra cứu tại hệ thống nhận dạng vân tay tự động VAFIS

Hiện nay, hệ thống VAFIS lưu trữ gần 1,5 triệu chỉ bản và là cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Một số địa phương cũng đã được Bộ Công an thực hiện thí điểm hệ thống tự động nhận dạng vân tay cấp tỉnh như Yên Bái, Hải Dương, Đồng Nai… Đại tá Nguyễn Văn Thìn - Phó cục trưởng C27 cho biết, ngoài Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia tại C27 sẽ triển khai các trung tâm thông tin tội phạm đặt tại công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các trung tâm này nối mạng thông qua đường truyền bảo mật nhằm cập nhật, tổ chức quản lý, khai thác và xử lý các hệ thống thông tin điện tử cơ bản về vụ việc, đối tượng phạm tội, các băng nhóm tổ chức tội phạm và một số đối tượng khác phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng công an các cấp về phương thức thủ đoạn phạm tội, phương tiện công cụ gây án, tang vật chứng, dấu vết của vụ việc phạm tội, các thông tin về quản lý đối tượng, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác phục vụ công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Đồng thời trung tâm cũng tiếp nhận và trao đổi thông tin tội phạm với các trung tâm thông tin chỉ huy, các hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên ngành của lực lượng CAND và các hệ thống thông tin của các cơ quan bảo vệ pháp luật khác như Tòa án, Viện kiểm sát, Quân đội… theo quy định phối hợp trao đổi thông tin tội phạm, tạo nên một mạng lưới thông tin hoàn chỉnh và có sức mạnh, phục vụ hoạt động của các cơ quan tố tụng toàn quốc.

Người về sau những chiến công

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia trên tầng 4 trụ sở Cục C27 trên đường Trần Hưng Đạo vào một ngày giữa tháng 4. Không khí ngày thường không trong đợt cao điểm nhưng đã rất bận rộn và khẩn trương.

Thượng tá Nguyễn Duy Tùng - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay Trung tâm mới chỉ có hơn 20 cán bộ, chiến sỹ trong đó có nhiều cán bộ tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng phải đảm nhiệm phần việc rất lớn. Mỗi ngày, Trung tâm nhận hàng trăm yêu cầu tra cứu từ các cơ quan tố tụng khắp cả nước gửi về.

Như đọc được cùng với những yêu cầu là sự mong mỏi kết quả từ đồng đội, tính cấp bách của yêu cầu phá án, sự quyết tâm truy bắt tội phạm… nên mọi người đều dốc toàn lực tối đa để có thể trả lời nhanh nhất. Chỉ trong 2 năm (2006 - 2008), Trung tâm đã phối hợp tra cứu, hoàn thiện văn bản trả lời tới 84.205 yêu cầu xác minh của các cơ quan tố tụng. ở Trung tâm, việc làm thêm ngoài giờ, làm cả thứ bảy, chủ nhật là chuyện thường. Đó cũng là nguyên nhân khiến vợ, người yêu của một số chiến sỹ trẻ nhiều lần bị lỡ hẹn hoặc phải đứng chờ mỏi... chân trước cổng cơ quan.

Truy cập CSDL về tội phạm
Truy cập CSDL về tội phạm

Đặc biệt vào những dịp cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đợt bảo vệ Hội nghị APEC, bảo vệ bầu cử Quốc hội, bảo vệ các hội nghị quốc tế lớn, bảo vệ Tết Nguyên đán… cán bộ chiến sỹ Trung tâm đều phải bố trí cán bộ trực quản trị kỹ thuật 24/24, đảm bảo cho hệ thống VAFIS  hoạt động, nhận qua trạm Telscan yêu cầu tra cứu nhanh phục vụ cấp trích lục tiền án tiền sự các đối tượng cho cơ quan điều tra, phối hợp các đơn vị tham gia giải quyết kịp thời các yêu cầu tra cứu khẩn về đối tượng.

Những ngày đó, từ lãnh đạo cho đến cán bộ đều làm việc quên nghỉ, liên tục phải “cố thủ” ở cơ quan. Có một vài chiến sỹ nữ được ưu tiên không phải làm ngoài giờ nhưng thấy đồng đội vất vả quá với số lượng việc nhiều nên chị em tự nguyện ở lại làm. Sự nhiệt tình vì công việc chung ở đây không kém gì cán bộ ở những đơn vị trực tiếp chiến đấu. Qua công việc, qua vất vả, cán bộ chiến sỹ Trung tâm thêm đoàn kết, gắn bó với nhau như anh em một nhà, có vụ việc nào khó khăn, lãnh đạo sẵn sàng chỉ bảo, xắn tay cùng anh em tìm cách giải quyết.

Dẫn chúng tôi đi thăm các bộ phận của Trung tâm đang hối hả với công việc, Trung tá Phạm Hồng Tuấn - Đội trưởng Đội Cơ yếu và quản trị hệ thống CSDL tâm sự: “Môi trường làm việc của lính trinh sát, điều tra mang tính xã hội hóa rất cao, chúng tôi mang tiếng là được làm việc trong phòng kín nhưng suốt ngày xoay vần cường độ cao, ngày thường cũng như ngày lễ, Tết với hệ thống máy, dữ liệu, các thông số… đòi hỏi hết sức tập trung và chính xác, trong khi lại bị áp lực về thời gian yêu cầu tra cứu nên cũng rất căng thẳng”.

Nơi đây là địa chỉ lưu trữ những thông tin vô cùng quan trọng về tội phạm, là nơi đưa ra chìa khóa phá nhiều vụ án quan trọng nhưng ít ai biết đến công việc âm thầm của các anh, các chị. Trung tá Tuấn tâm sự: “Có những vụ án lớn đi vào bế tắc vì chưa có manh mối.

Từ yêu cầu tra cứu, anh em đã tập trung cả ngày, cả đêm tra cứu, rà soát qua rất nhiều thông tin, hệ thống dữ liệu, đối chiếu so sánh rất kỹ và đã phát hiện ra đối tượng, trả lời nhanh, giúp cơ quan điều tra xác định chính xác và bắt được đối tượng gây án, kết thúc thắng lợi chuyên án.

Mệt mỏi sau mấy ngày vất vả, chúng tôi ngủ sớm và sáng hôm sau trên đường đi làm đã thấy tiếng rao bán báo vang khắp phố phường Hà Nội về chiến công của cơ quan điều tra. Hàng chục, hàng trăm bài báo về vụ án tuyệt không có một dòng nhắc đến chúng tôi. Thoáng chạnh lòng qua mau, chúng tôi lại cảm thấy vui ngay, niềm vui chỉ mình chúng tôi biết vì mình đã góp được một phần nhỏ bé cho bình yên của cuộc sống…”.

Hoàng Đoàn - Tú Oanh