Âm mưu ám sát 3 nguyên thủ phe Đồng minh tại Tehran của Đức quốc xã

ANTD.VN - Vụ nổ làm sáng rực bầu trời Tehran rạng sáng 1-12-1943 cùng âm thanh đinh tai nhức óc khiến cả thủ đô của Iran đều nghe thấy. Nó chắc chắn cũng đã làm một người nổi tiếng thính ngủ như Thủ tướng Winston Churchill đang ở Đại sứ quán Anh phải giật mình. Đêm hôm trước, ông đã tổ chức một bữa tiệc hoành tráng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 69 của mình. Khách mời quan trọng nhất của ông là Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và lãnh đạo tối cao của Liên Xô Josef Stalin. Ba nhà lãnh đạo của 3 nước lớn nhất trong phe Đồng minh gặp nhau lần đầu tiên tại đây để bàn thảo chi tiết kế hoạch đánh bại nước Đức phát xít.

Nhưng Hội nghị Tehran lịch sử ấy có thể đã trở thành bi kịch khi Đức Quốc xã âm mưu cho người thâm nhập vào hội nghị để ám sát cả 3 vị nguyên thủ. Nhận thức được việc này có thể cấu thành tội ác chiến tranh, Hitler đã chỉ đạo hủy mọi tư liệu có liên quan đến chiến dịch. Tuy nhiên, sự việc đã được sáng tỏ nhờ cuốn sách mới của nhà sử học người Mỹ Howard Blum mang tựa đề “Đêm ám sát: Chuyện chưa kể về kế hoạch của Hitler nhằm sát hại Roosevelt, Churchill và Stalin”. Tác giả đã trích dẫn bằng chứng mới từ tài liệu lưu trữ được giải mật của phe Đồng minh, đặc biệt từ cơ quan tình báo Liên Xô cũng như lời khai của những người liên quan trực tiếp, bao gồm cả vệ sĩ của 2 nguyên thủ Mỹ và Anh.

Âm mưu ám sát 3 nguyên thủ phe Đồng minh tại Tehran của Đức quốc xã ảnh 13 nguyên thủ của Liên Xô, Mỹ và Anh thuộc phe Đồng minh tại Hội nghị thượng đỉnh ở Tehran ngày 28-11-1943

Chiến dịch táo bạo

Một điều không cần phải tranh cãi là sau khi “3 ông lớn” của phe Đồng minh nói rõ rằng họ chỉ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, Đức quốc xã thấy rằng cách duy nhất để đàm phán hòa bình là loại bỏ họ, mở đường đối thoại với các chính trị gia khác.

Chính Thủ tướng Anh Winston Churchill là người đầu tiên tiết lộ trong một bài phát biểu tại Quebec hồi tháng 8-1943 rằng, ông cùng Tổng thống Mỹ thực sự muốn gặp nhà lãnh đạo Liên Xô, điều này khiến Đức quốc xã nhận ra một cơ hội táo bạo.

Hitler yêu cầu các chỉ huy tình báo đặt ưu tiên hàng đầu là khám phá cuộc họp đó sẽ diễn ra ở đâu. Quốc trưởng thích bắt cóc họ, nhưng thuộc hạ của hắn cho rằng ý tưởng đó là không thể. Heinrich Himmler - người đứng đầu lực lượng SS thậm chí còn xin tư vấn của các thầy bói và người có thuật chiêm tinh để có thể đưa ra manh mối.

Chiến dịch này được đặt dưới sự chỉ huy của tướng Walter Schellenberg - người đứng đầu bộ phận tình báo của SS. Tuy nhiên, chỉ huy hiện trường lại là Otto Skorzeny, một người được Hitler nhất mực tin tưởng sau khi ông ta đã giải cứu Mussolini từ nhà tù trên núi ở Italia.

Skorzeny được báo giới mệnh danh là “Người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu” vì chiến công nói trên đã giả định chính xác rằng, mỗi nhà lãnh đạo Đồng minh sẽ đưa cận vệ của mình tới hội nghị. Ông ta đã tuyển mộ khoảng 50 binh sĩ Liên Xô đảo ngũ nhằm trà trộn vào số vệ sĩ của Stalin. Các chi tiết quan trọng về nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh cuối cùng do một người phục vụ Đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ. Người này đã bán cho cơ quan tình báo Đức bản chụp về các giấy tờ tuyệt mật của Anh với giá 20.000 bảng. Trong số này, có một tin nhắn nói rõ rằng 3 nguyên thủ sẽ gặp nhau ở Tehran trong 4 ngày cuối tháng 11.

Đức quốc xã cảm thấy hài lòng vì có sẵn một mạng lưới gián điệp, nhà an toàn và hệ thống liên lạc ở Thủ đô Iran. Bản thân Skorzeny cũng vừa gửi tặng một bộ lạc ở đây 1 khẩu súng ngắn bán tự động Walther PPK bằng vàng nguyên khối. Kịch bản phục kích đoàn xe chở các nguyên thủ là bất khả thi vì không thể biết khi nào họ sẽ đến hoặc đi, trong khi người Đức muốn có cả 3 “ông lớn” cùng một lúc.

Một điệp viên đã được phái đi thám thính các đại sứ quán là nơi các nguyên thủ lưu trú và gặp gỡ. Người này phát hiện một điều quan trọng, đó là các đại sứ quán của Anh, Mỹ và Nga đều là những tòa nhà duy nhất ở Thủ đô Tehran có nguồn cung cấp nước uống của riêng họ. Nguồn nước được dẫn trực tiếp từ những ngọn núi xung quanh thông qua các cống ngầm cổ đại.

Các cống ngầm này đủ rộng để chứa 3 người cùng lúc dễ dàng đi vào đại sứ quán và không hề có lính gác bảo vệ. Tuy nhiên, thật không may cho Đức quốc xã là mạng lưới tình báo của họ lại có điệp viên hai mang. Một trong những đặc vụ Đức được cử đến Iran trước đó đã bị phía Liên Xô hóa giải, cho phép anh ta “trốn thoát” trở về Đức. Người này tình cờ sau đó lại được giao phụ trách địa bàn Iran và chính anh ta đã báo cáo với Liên Xô rằng người Đức có mối quan tâm đặc biệt về các đại sứ quán của phe Đồng minh tại Tehran. 

Âm mưu ám sát 3 nguyên thủ phe Đồng minh tại Tehran của Đức quốc xã ảnh 2Otto Skorzeny, chỉ huy tình báo của Đức quốc xã được Hitler tin cậy giao phó cho trực tiếp chỉ đạo vụ ám sát tại hiện trường

Quân Liên Xô kịp thời “vô hiệu hóa”

Tại Đức, Skorzeny đã hoàn tất các kế hoạch cho một cuộc xâm nhập chia làm 4 mũi bắt đầu từ ngày 27-11-1943. Đầu tiên có 2 đội, mỗi đội gồm 18 người mặc quân phục Liên Xô (mỗi đội có 1 thông dịch viên gốc Iran) sẽ nhảy dù xuống vùng sa mạc bên ngoài Tehran, được người của bộ lạc đón sẵn đưa vào những ngôi nhà an toàn trong thành phố. Cùng đêm đó, nếu nhóm 6 lính đặc nhiệm Đức do sĩ quan chỉ huy SS Rudolf von Holten-Pflug “hạ cánh” an toàn, Skorzeny và 5 người khác sẽ xâm nhập Tehran đợt cuối.

Mọi thứ đã được sắp xếp với độ chính xác tỉ mỉ, thậm chí tướng SS Schellenberg còn thường xuyên kiểm tra thời tiết ở các bãi đáp của quân nhảy dù. Đáng buồn thay, ông ta lại kiểm tra thông tin qua gián điệp hai mang phụ trách địa bàn Iran nên thông tin được chuyển thẳng tới Matxcơva. Và do đó, đội 18 lính dù đầu tiên đã bị lính Nga tiêu diệt hoặc bắt gọn.

Đội 18 lính thứ hai hạ cánh an toàn, được bộ lạc đồng minh đón bằng xe tải và lạc đà. Tuy nhiên, sự bất thường của đoàn người di chuyển trên đường phố Tehran vào đêm đó đã không qua được con mắt tinh tường của Gevork Vartanyan - một điệp viên thiếu niên. Gevork bám theo bằng xe đạp và cuối cùng lính Liên Xô xông vào bắt tại trận toán lính Đức đang liên lạc với chỉ huy bằng radio.

Skorzeny - “người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu” nhận được tin nhắn radio khi đang trên đường băng sẵn sàng cất cánh cùng đơn vị của mình. Ông ta bỏ cuộc và viên chỉ huy SS này sau đó không thừa nhận mình đã tham gia chiến dịch. Trong khi đó, nhóm 6 người do Rudolf von Holten-Pflug chỉ huy lúc đó đã hạ cánh ở địa điểm cách Tehran chừng 50km. Người phiên dịch của họ vào thành phố thám thính rồi thông báo chiến dịch đã bị lộ khi quân đội Nga đang chiếm giữ nhà an toàn. Tuy nhiên, họ vẫn có một thùng bom Gammon của Anh, vũ khí tự động cùng lượng đạn khổng lồ.

Mặc dù phải đối mặt với tình thế gần như sẽ thất bại hoàn toàn , nhưng Holten-Pflug vốn là giáo viên dạy về ám sát tại trường đào tạo gián điệp của Đức Quốc xã, vẫn quyết định tiếp tục nhiệm vụ của mình. Thủ tướng Anh Churchill vài ngày sau đó bay tới Iran, được thông báo trước về mối đe dọa từ những kẻ có súng lục hoặc một quả bom. Người Nga đã nhanh chóng nói với các đồng minh của họ rằng, họ đã giết và bắt tổng cộng 38 lính dù Đức Quốc xã.

Mặc dù có 6 lính Đức đã thoát, nhưng những kẻ này có thể đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Dù sao thì sau đó an ninh cũng đã được tăng cường, các tay súng bắn tỉa được bố trí trên các mái nhà của đại sứ quán và quân đội lùng sục khắp thành phố. Tổng thống Mỹ Roosevelt được thuyết phục ở lại Đại sứ quán lớn của Liên Xô, bên cạnh tòa nhà của người Anh.

Trong khi đó, Holten-Pflug cùng tay chân đã bỏ tiền mua chuộc một đô vật Iran để trú tạm trong phòng tập thể dục của anh ta. Vào sáng 30-11, Holten-Pflug tập hợp cả đội và lên kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, khi chờ đợi tay đô vật lái xe tải đến để đưa vào khu cống ngầm bên ngoài thành phố, nhóm này đã bị bắt giữ. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của người phiên dịch, cả nhóm lại được giải thoát nhưng khi đó quá muộn bởi bữa tiệc sinh nhật của Winston Churchill đã tàn. Hôm sau, nhóm ấp ủ kế hoạch phục kích đoàn xe chở các nhà lãnh đạo đến sân bay. Một lần nữa, Holten-Pflug lại nhờ nhầm người và bị lính Liên Xô bao vây. Trước tình thế tuyệt vọng, cả nhóm chọn cho nổ bom tự sát.

Các nguyên thủ của Đồng minh rời Tehran sáng hôm đó. “Tôi rất vui. Số phận đã cho tôi cơ hội phục vụ ông ở Tehran” - nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin viết cho Tổng thống Mỹ Roosevelt khi đã trở về an toàn. Giờ có lẽ nhiều người đã hiểu ý nghĩa của câu nói đó.