Ấm áp tình thầy trò

ANTĐ - Nơi còn nhiều khó khăn cũng là nơi sáng lên vẻ đẹp của tâm hồn, của tình người. Những thầy cô giáo vốn xuất thân từ thành phố nhưng tràn đầy nghị lực và tình yêu nghề đã đồng điệu và hòa mình với nhịp sống ở  bản, phum, sóc hay buôn vùng xa xôi hẻo lánh trong cả đoạn đường dài của cuộc đời mình.

Nhiều thầy cô đã hy sinh âm thầm vì thế hệ trẻ nơi vùng cao, vùng sâu

“Người lạ” thành “người nhà” ở làng phong

Lý do khiến cô Hà Thị Thu Oanh, giáo viên trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng gắn bó với những học trò đặc biệt là làng phong Hòa Vân, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng trong 22 năm qua chính là sự lạ lẫm, sợ sệt của những đôi mắt trẻ khi gặp người lạ đến đây trong một lần cô về dạy tình nguyện ở làng phong. Đang là cô giáo của trường Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quang Nam, cô Hà Thị Thu Oanh tình nguyện xin về làng phong dạy học. “Những ánh mắt sợ sệt xen lẫn tò mò khi có người lạ đến cộng với mặc cảm bị kỳ thị bệnh tật đã ám ảnh tôi” – cô Oanh nhớ lại. Để những ánh mắt thơ ngây bớt mặc cảm, cô đã về dạy nhiều thế hệ học sinh ở làng phong Hòa Vân. 

Chắc chắn là một quyết định có phần “lãng mạn” của cô giáo trẻ lúc đó phải chống chọi với sự  phản ứng của bạn bè, người thân. Nhưng điều mà cô nhận lại được chính là tấm lòng trân trọng của những học trò cùng người dân Hòa Vân vốn luôn thiếu thốn đủ đường. Trong suốt 22 năm gắn bó với làng phong, từ một “người lạ” cô Oanh đã trở thành “người nhà” của làng Hòa Vân.  “Điều mà đến giờ tôi luôn tự hào và xúc động khi gặp bất kỳ phụ huynh nào ở làng phong họ đều nói: “Cô Oanh dạy các con tôi đó”. Họ luôn dành cho mình tình cảm chân thành đó là điều dáng quý nhất đối với tôi” – cô Oanh chia sẻ. Cũng chính vì gắn bó với học sinh làng phong mà mãi đến năm 34 tuổi cô Oanh mới lập gia đình. 

Người nuôi những hạt giống miền cao 

Cô giáo Trần La Giang, giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Sơn La có hơn 20 năm gắn bó với nghề, luôn tìm hiểu hoàn cảnh học sinh và kịp thời khích lệ các em theo đuổi niềm say mê cũng như phát huy hết năng lực của bản thân. Để “nuôi” đội tuyển của trường, căn nhà của cô Giang từng là chỗ trọ miễn phí hàng tháng trời vì các em không có điều kiện về nhà ở quá xa. Nhớ lại kỷ niệm về cậu học trò dân tộc trở thành người đầu tiên trong dòng họ của cậu bế học lên bậc THPT và đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cô Trần La Giang chia sẻ: Cà Văn Hùng đã đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ngày ra trường, với đồng lương đầu tiên khi nhận công tác tại huyện, em đã mua hoa đến tặng cô nhưng chờ đến tiết 5 cô dạy xong thì bó hoa đã héo cả. “Nhìn bó hoa đó, tôi thực sự cảm nhận được tấm lòng của cậu học trò cũ đã thành công trong niềm tự hào của gia đình, thầy cô”.

 Một niềm vui lớn với cô Trần La Giang là không chỉ giỏi đào tạo học sinh mà cô còn truyền được cảm hứng học tập đạt thành tích cao cho các con của mình. Ngô Huy Long, nhân vật đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2012 chính là con đẻ của cô. Bí quyết dạy con được cô chia sẻ chính là tạo niềm say mê để con theo đuổi đến cùng những môn học mà mình yêu thích. “Ngay từ bé, khi mới biết chữ, Long đã được gặp nhiều học trò cũ của tôi. Các em là những người đã thành công trên con đường học hành và chính các em đã thổi vào niềm đam mê môn Vật lý cho Long. Đây cũng là cách mà chúng tôi tạo động lực, sự yêu thích môn học cho học sinh trường mình khi được giao lưu với các thế hệ đàn anh, để trực tiếp nghe các anh chị nói về sự thành công của mình” – cô Giang cho biết.  

Gắn bó với ngôi trường nơi cực nam đất nước

Cô giáo Nguyễn Thanh Thêm, Hiệu trưởng trường mẫu giáo xã Đất Mũi kể phải mất 3 giờ đồng hồ ngồi ô tô khách từ huyện Ngọc Hiển ra đến thành phố Cà Mau, rồi mất thêm 7 giờ đồng hồ ô tô nữa về TP Hồ Chí Minh để được bay ra Hà Nội tụ hội với các cô giáo khắp các miền biên giới, vùng cao, hải đảo. “Trường mình là điểm cuối cùng của đất nước đấy” – cô Thêm khoe vậy. Nhưng đây không đơn giản chỉ là khoe vị trí địa lý của ngôi trường Đất Mũi mà trong đấy là tình cảm gắn bó từ những ngày đầu chỉ một cô với hơn 20 trò trong căn phòng 36m2 mượn tạm của xã.

Đất Mũi nhưng cũng còn tên gọi dân dã là “Đất muỗi” với âm thanh được cô giáo Thêm miêu tả như tiếng sáo thổi. Khó khăn thì không phải tả thêm nhưng lý do mà cô Thêm từ vị trí Phó hiệu trường một trường ở thị trấn Năm Căn chuyển về Đất Mũi lại có vẻ đơn giản. “Tôi không thể không suy nghĩ khi về thăm Đất Mũi thấy các em ở đây không được vui chơi, học tập mà chỉ lang thang với bùn đất, mò cua, bắt ốc”. Từ một lá đơn tình nguyện của cô giáo, Đất Mũi đã có một ngôi trường khang trang và ấm tình cô trò với hơn 120 con em nơi cực nam đất nước được theo học bậc học đầu tiên.   

Vinh danh 150.000 nữ nhà giáo vùng biên giới, hải đảo

Ngày 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ 128 cô giáo tiêu biểu và gửi lời chúc mừng tới hơn 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại 3.894 xã vùng cao, miền núi, hải đảo... trong cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trước những câu chuyện vượt khó vì lòng yêu nghề của các cô giáo nhiều năm tình nguyện đứng lớp tại những địa bàn khó khăn nhất trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao đóng góp thầm lặng của các cô để nuôi dưỡng nhiều thế hệ công dân có ích cho đất nước. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các thầy cô giáo địa bàn biên giới, hải đảo bớt khó khăn. Hiện nay cả nước có khoảng 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có gần 800.000 nữ nhà giáo, cán bộ quản lý.