Ám ảnh ùn tắc và TNGT đường sắt

ANTĐ - Nếu như trong cả năm 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ xảy ra 27 vụ TNGT đường sắt, khiến 25 người chết thì chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2015, số vụ TNGT đã là 19 vụ, làm 21 người tử vong. TNGT đường sắt không có dấu hiệu giảm khi mà những nguy cơ tiềm ẩn ở hành lang ATGT đường sắt vẫn hiển hiện đầy nhức nhối.

Ám ảnh ùn tắc và TNGT đường sắt ảnh 1Tại nhiều đường ngang có đèn, tín hiệu cảnh báo song TNGT đường sắt vẫn xảy ra 
do lái xe thiếu chú ý quan sát

Căng thẳng ở điểm giao cắt

Tại những ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt với đường Giải Phóng, mật độ phương tiện lúc nào cũng trong trạng thái cao điểm. “Để chống ùn tắc, hàng ngày tại tất cả những điểm giao cắt, nút giao thông trên dọc tuyến Giải Phóng, đơn vị đều tăng cường CBCS làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, chỉ cần một sự cố xảy ra trên trục đường này, ùn tắc và TNGT là rất khó tránh khỏi” - Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội cho biết.

Những lo lắng của chỉ huy Đội CSGT số 14 là có căn cứ, khi hàng ngày, “chọn” đúng giờ cao điểm, đoàn tàu chở hàng ra vào ga Giáp Bát nườm nượp. Kéo theo đó là dòng phương tiện ở các nút giao thông giao cắt với đường Giải Phóng, đặc biệt là ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng bị ùn tắc nghiêm trọng.

Theo thống kê của đơn vị, trung bình mỗi sáng, có tới 6 đến 7 chuyến tàu hàng ra vào ga Giáp Bát. “Hôm nào cao điểm lên tới 8-9 chuyến tàu hàng. Lòng đường Nguyễn Hữu Thọ nhỏ hẹp, phương tiện đi hai chiều, điểm giao cắt giữa hai tuyến đường lớn nên ùn tắc thường xuyên xảy ra. Cũng trên tuyến đường này, nhiều đường ngang dân sinh được người dân tự mở, không có gác chắn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất lớn. Ngay cả những đường ngang dân sinh có gác chắn, nhiều vụ TNGT đau lòng cũng đã xảy ra, do người tham gia giao thông cố tình vượt qua đường sắt. Vụ TNGT gần nhất là chiếc xe ô tô vượt qua đường sắt từ chùa Tứ Kỳ ra đường Giải Phóng, đã bị tàu hỏa đâm, khiến 1 người thiệt mạng, 2 người khác bị thương” - Trung tá Lê Văn Tiến thông tin.

Còn tại các huyện ngoại thành, TNGT đường sắt luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây. Gần nhất là vụ TNGT đường sắt xảy ra tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Chiếc xe tải nặng hàng tấn cố tình băng qua đường sắt đúng lúc đoàn tàu lao tới, hất văng cả người lẫn xe xuống vệ đường. Mặc dù lái xe thoát chết song chiếc xe bị hư hỏng nặng. Và nhiều người dân nơi đây cũng không thể quên cảnh tượng thảm khốc khi chứng kiến vụ TNGT đường sắt làm 9 người trong cùng một gia đình bị thiệt mạng cách đây chưa lâu. 

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Với chiều dài 17km chạy song song với Quốc lộ 1A, qua 10 xã, 1 thị trấn, huyện Thường Tín được xem là địa bàn có tuyến đường sắt đi qua dài nhất thành phố. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người dân tự mở đường ngang dân sinh tại đây diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn huyện có 167 đường ngang qua đường sắt, nhưng chỉ có 59 đường ngang dân sinh và đường ra cánh đồng, chiếm khoảng 35%. Gần 65% số đường giao cắt còn lại đều là đường ngang dân sinh trái phép do người dân tự mở. Ngoài 22 điểm đã có đèn tín hiệu chuông cảnh báo và 39 điểm có biển báo nguy hiểm, 6 điểm có gác chắn với người gác trực 24/24 thì vẫn còn nhiều điểm giao cắt không có gác chắn, người trông giữ, chuông cảnh báo. “Chỉ cần người dân đi qua những điểm giao cắt, đường ngang dân sinh này mà không chú ý quan sát, TNGT đường sắt rất dễ xảy ra. 3 người thiệt mạng vì  TNGT đường sắt trong tháng 6 là một minh chứng” - chỉ huy Đội CSGT CAH Thường Tín cảnh báo.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội tuyên truyền điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội kiến nghị, lực lượng chức năng và cả ngành đường sắt cần phải nhanh chóng giải tỏa những vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Riêng trên địa bàn huyện Thường Tín, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hệ thống đường gom dân sinh tại các xã Nhị Khê, Quất Động, Thắng Lợi... Đội CSGT số 14 cũng đã nhiều lần kiến nghị ga Giáp Bát điều chỉnh giờ tàu hàng ra vào ga, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại một số điểm giao cắt trên đường Giáp Bát. Mặc dù vậy, đến nay Đội CSGT số 14 vẫn phải “sống chung” với nguy cơ, tìm mọi cách phòng ngừa ùn tắc và TNGT.

Theo đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội, trong năm 2014, Hà Nội xảy ra 23 vụ TNGT đường sắt, khiến 25 người chết và 2 người bị thương. Chỉ tính 8 tháng năm 2015 đã xảy ra 19 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, khiến 21 người chết và 6 người bị thương. Thống kê cũng cho thấy, trong tổng số 157km đường sắt chạy qua địa bàn Hà Nội có tới 544 đường ngang dân sinh, trong đó hơn 361 đường ngang người dân mở trái phép. Toàn bộ số đường ngang này đều không có bất cứ hình thức cảnh báo an toàn nào cho người tham gia giao thông.

Năm 2014, Phòng CSGT cũng đã đề xuất tại 61 đường ngang dân sinh, Sở GTVT cần bố trí người ra cảnh giới, nhưng đến nay, sau hơn một năm, mới thực hiện được ở 17 vị trí đường ngang. CATP Hà Nội đã gửi công văn đề nghị các đơn vị chức năng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt. 

Để tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt, phòng ngừa tai nạn, CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. 8 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 241 trường hợp vi phạm, nhắc nhở, tháo dỡ hàng trăm trường hợp, lều lán lấn chiếm, ảnh hưởng đến hành lang ATGT đường sắt.

“Để kiềm chế, phòng ngừa TNGT, ùn tắc giao thông liên quan đến đường sắt, cần sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, sự quan tâm của ngành đường sắt, Sở GTVT trong việc quản lý, xử lý các vi phạm cũng như cải tạo, nâng cấp, xây dựng, lắp đặt hệ thống cảnh báo đảm bảo an toàn đường sắt” - đại diện Phòng CSGT đánh giá.