Ám ảnh làng “xin” con

ANTĐ - Nhiều người bảo vùng đất ấy bị “ma ám”, nếu không thì tại sao nhiều người đàn bà “quá lứa lỡ thì” lại  phải đi “xin” con đến thế ? Và có lẽ, cái tên “làng xin con” cũng ra đời từ nguyên nhân ấy...

Chị K gần như không biết đến nghỉ ngơi, ngay cả khi trời nắng nóng nhất

Cả 3 chị em đều “xin” con

Có tới vài chục trường hợp phụ nữ không chồng mà chửa ở bến Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Khi chúng tôi hỏi, người phụ nữ đầu thôn tư lự: “Ừ thì cũng có nhiều người…”, rồi chép miệng: “Chẳng biết làm sao mà hầu hết những người phụ nữ xin con lại chỉ ở cái hướng đất ấy, chắc đất xấu nên đến tuổi gả chồng chẳng có đám nào hỏi. Để tới khi quá tuổi họ tự buộc chặt cuộc đời mình vào những đứa con không cha. Âu cũng là số phận…”. Sau khi chúng tôi hỏi mua vài chai nước, chị V.T.T -  người phụ nữ bán hàng ven đường chia sẻ: “Ở gần bến sông, hàng ngày có nhiều phụ nữ là bà mẹ đơn thân đến làm việc. Công việc của họ là khuân vác cát, đá từ những chiếc xà lan chở nguyên vật liệu xây dựng, đóng gạch thuê. Dù vất vả, nhưng vì mưu sinh, những người phụ nữ ấy vẫn cam chịu, coi đó như là định mệnh…”.

Đưa tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt ưu tư, chị P.T.S, một trong số những người phụ nữ “xin” con dè dặt: “Tôi không muốn nói đến cuộc sống của mình. Người ta bảo phụ nữ không con như cây không trái nên mong muốn có một đứa cho vui cửa vui nhà, làm chỗ trông cậy lúc tuổi già, bóng xế cũng là lẽ thường tình…”. Rồi như sợ chúng tôi hỏi thêm, chị S lầm lũi đạp xe ra bến sông cho kịp thời gian làm việc.

Ông N.V.X - người trong thôn kể, có gia đình có ba chị em gái thì cả 3 đều không chồng. Người chị cả gần 50 tuổi, có đứa con học lớp 7. Cô em gái thứ 2 cũng sinh con một mình. Còn cô em út dù đã “hạ quyết tâm” nhiều lần nhưng mãi vẫn chưa có kết quả. Đáng buồn hơn, đến đời thứ hai của gia đình này - cháu gái của họ cũng không chồng mà chửa. Vậy là một gia đình có đến 2 đời đi “xin con”. “Chẳng biết có phải người ta nhìn nhau rồi làm theo không, nhưng hồi trước việc đi “xin con” trong thôn là điều cấm kỵ. Ngày xưa, thời của chúng tôi, gái không chồng mà có con chắc chỉ còn nước bỏ xứ mà đi, bằng không thì cũng cạo trọc đầu, bôi vôi. Bây giờ, có lẽ quan niệm đã khác. Người ta nhìn những người phụ nữ này với ánh mắt cảm thông hơn.

Thôi thì mỗi người một lý do, người thì do quá nghèo nên không có đám nào hỏi, người thì vì nhan sắc không bằng ai,… rồi thời gian cứ vùn vụt trôi, cái tuổi nó đuổi xuân đi nên họ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Đến khi nhìn thấy người ta có cặp có đôi, có con cái ẵm bồng, họ mới nghĩ đến chuyện có đứa con cho cuộc sống đỡ tủi. Chỉ khổ những đứa trẻ, cả đời không được gọi tiếng cha…”, bà N.T.N - 70 tuổi, người đã sống tại Bến Hiệp quá nửa đời người, chứng kiến biết bao câu chuyện éo le của những người phụ nữ “xin” con thở dài.

Anh N.V.T, anh trai của chị N.T.U, năm nay đã gần 40 tuổi buồn bã cho biết: “Ngày trước, lúc em tôi còn trẻ cũng có vài đám đến xin hỏi cưới, nhưng chẳng biết tại sao nó không đồng ý. Con gái trong làng cứ đến 17,18 tuổi mà không lấy chồng là coi như ế. Cứ vài lần như vậy, nó trở thành gái lỡ thì. Thế rồi, chẳng biết tại sao nó lại quyết định xin con của một người đàn ông đã có vợ làm việc gần bến sông. Người muốn có con, kẻ xa gia đình, thế mà bây giờ thằng bé đã học lớp 3. Đến giờ nó vẫn bị chúng bạn chế giễu là “đồ con hoang”. 

Đắng lòng cảnh nuôi con một mình

Giữa trưa hè nắng như thiêu như đốt với nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, xuyên qua những lớp bụi đường dày đặc cuộn lên sau đuôi những chiếc xe tải là những người phụ nữ chân trần vội vã xuống bến làm thuê kiếm tiền nuôi con. Và ở cái nơi trên bến dưới thuyền này, không ai lạ gì với hoàn cảnh éo le của chị N.T.K. Ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân đê, cạnh con dốc sâu hun hút của mẹ con chị K lúc nào cũng quạnh vắng. Có lẽ với chị K, ngôi nhà mới được UBND xã hỗ trợ xây dựng đối với hộ nghèo này là thứ tài sản đáng giá nhất. Thấy chúng tôi đến cổng, chị K vội vàng đặt thúng ngô đang phơi dở xuống sân, đon đả mời vào. Phải mất đến 10 phút xoay xở, chị K mới tìm được chiếc chiếu trúc đã rách tươm đặt xuống nền nhà để tiếp khách. 

Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng trên khuôn mặt của người đàn bà này vẫn còn dấu ấn của một thời xuân sắc.

 Hoàn cảnh khó khăn nhưng tính tình phúc hậu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người là những điều mà những người hàng xóm nói về chị. Khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, chưa nói được câu nào, chị K đã giàn giụa nước mắt. Sau một hồi trấn tĩnh lại, chị nghẹn ngào: “Tôi đi bộ đội về khi tròn 20 tuổi. Hồi ấy cũng có nhiều người đến đặt vấn đề tìm hiểu nhưng tôi chẳng ưng ai. Rồi năm này qua năm khác, đến khi 29 tuổi, tôi mới giật mình nhận ra mình đã lỡ thì. Cùng thời điểm đó, như sự sắp đặt của ông trời, tôi đã gặp ông N ở huyện bên. Khi biết ông N đã có gia đình yên ấm, dù rất đau khổ nhưng tôi chấp nhận chỉ cần có đứa con, không ràng buộc và yêu cầu trách nhiệm gì từ phía ông này. Rồi tôi có thai. Với quan niệm định kiến thời đó, nhà có gái chửa hoang là nỗi nhục lớn của gia đình và dòng họ. Hàng xóm không ngớt lời bàn tán, họ hàng khinh miệt, mỉa mai. Cái câu “không chồng mà chửa” đã bao nhiều lần khiến tôi có ý định tự vẫn. Nhưng vì thương đứa con trong bụng nên tôi đã vượt qua tất cả. Nhà cửa dột nát, mẹ già yếu, đến cận ngày sinh tôi vẫn phải xuống bến đóng gạch, bốc vác thuê để có tiền sống qua ngày. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao mẹ con tôi vẫn sống”…

Tạo hóa như cố tình trêu ngươi, hơn chục năm sau chị K gặp lại người cũ - bố của con gái chị. Một lần nữa, chị K lại mang thai. Nghĩ đến nỗi đau đớn vất vả của lần sinh trước, chị K đã định phá bỏ. “Do mải làm ăn nên khi đến trạm xá kiểm tra người ta nói cái thai đã quá to nên không thể phá được. Tôi đành tặc lưỡi: “Thôi thì cái số mình nó thế, đằng nào thì đã mang tiếng 1 lần rồi, tận cùng của sự tủi nhục cũng đã trải qua nên cháu bé thứ 2 đã ra đời. Cũng may là có hàng xóm láng giềng giúp đỡ, cho bơ gạo, củ khoai nên mẹ con tôi mới vượt qua được”.

Chị K nói, điều chị lo sợ nhất bây giờ là bị ốm. Dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng chưa ngày nào chị được nghỉ ngơi. Cô con gái lớn tuy đã yên bề gia thất nhưng hoàn cảnh khó khăn nên thỉnh thoảng lại chạy về “bòn” mẹ. Được xã tạo điều kiện, chị K xin được chân quét rác. Với số tiền 300.000đ/1 tháng cùng mảnh ruộng, hai mẹ con chị chắt chiu sống qua ngày. “Điều khiến tôi lo lắng nhất là cậu con trai bị thượng thận bẩm sinh. Bác sỹ ở bệnh viện Nhi Trung ương nói cháu phải thăm khám thường xuyên và uống thuốc định kỳ bệnh mới thuyên giảm nhưng do không có tiền nên gần một năm nay cháu phải dừng uống thuốc - chị K thở dài.

Đã từ lâu, tôi không có thời gian soi gương, không biết mua cho mình một bộ quần áo đẹp. Thấy những người phụ nữ khác có gia đình yên ấm, chồng con đề huề mà tôi không khỏi chạnh lòng. Sao cùng là phụ nữ mà số tôi lại vất vả đến vậy”? Câu hỏi của chị K khiến chúng tôi không khỏi day dứt trên suốt quãng đường về…