Ám ảnh “40 năm nói láo”

(ANTĐ) - Không rõ là tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này đến bao nhiêu lần. Mà lần nào đọc lại cũng đọc từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng. Lần nào đọc lại cũng nguyên một cảm xúc như buổi đầu tiên bắt gặp: thích thú, khoái chí, cảm động, run rẩy, giận dữ, se sắt buồn...

Ám ảnh “40 năm nói láo”

(ANTĐ) - Không rõ là tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này đến bao nhiêu lần. Mà lần nào đọc lại cũng đọc từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng. Lần nào đọc lại cũng nguyên một cảm xúc như buổi đầu tiên bắt gặp: thích thú, khoái chí, cảm động, run rẩy, giận dữ, se sắt buồn...

Vũ Bằng
Vũ Bằng

Hầu như mỗi lần mở cuốn sách này ra, tôi đều trong cảm giác chông chênh với nghề báo, nhưng rồi đi hết 398 trang sách, lại thấy trong mình như có thêm sinh lực, thêm niềm tin, thêm hứng khởi, thêm yêu thương để tiếp tục cái nghề mà như Vũ Bằng nói: “Nghề báo đưa người ta đi đến bất cứ đâu - miễn là thoát được nó ra”.

Nếu như 40 năm nói láo chỉ đơn giản là cuốn hồi ký về con đường làm báo của Vũ Bằng, chỉ có đơn độc những sự kiện liên quan đến Vũ Bằng: nào là Vũ Bằng đã làm ở những tờ báo nào, Vũ Bằng đã viết những bài báo để đời nào, tiếng tăm Vũ Bằng ra sao... thì chắc nó sẽ chẳng được ai mó tới hoặc cùng lắm là để người ta đọc một lần tham khảo rồi thôi.

 Nhưng không, 40 năm nói láo lại chẳng có tí phần trăm nào tôn vinh tác giả, hay coi tác giả là nhân vật chính. Nói chính xác nhất như lời đề tựa của sách: “40 năm nói láo là lịch sử một kiếp sống lê thê của những người viết báo chuyên nghiệp ở xứ này”. Bởi nó thu nạp trong đó bao nhiêu câu chuyện lâm ly, kỳ thú về một thời sôi động của báo chí Việt Nam hàng chục năm nửa đầu thế kỷ XX, về những cây bút, những nhà trí thức nổi danh như Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Tản Đà...

Thế nên mỗi lần đọc là một lần khám phá, biết thêm nhiều người đáng biết mà chưa biết, yêu mến thêm nhiều người đã biết mà chưa hiểu hết, và có thêm bao nhiêu hứng thú để khám phá những điều cuốn sách gợi ra. Tôi tin rằng, bất kỳ ai muốn tìm hiểu về thời đại này của báo chí Việt Nam không thể không tìm đến 40 năm nói láo. Những tài liệu, những tờ báo, cuốn tạp chí còn lưu lại dẫu có nhiều đến bao nhiêu cũng không thể mô tả một cách cô đọng, sinh động, ly kỳ và đầy ngập những chuyện hậu trường của đời sống báo chí lúc đó hấp dẫn như một cuốn sách của Vũ Bằng.

Thật thế, nếu không có 40 năm nói láo, sao ai có thể biết được Vũ Trọng Phụng viết Giông tố và Số đỏ theo kiểu “ăn xổi”, viết xong kỳ này, bị báo giục mới viết tiếp kỳ nữa, mà lần nào viết cũng phải hỏi ầm lên: Có ai biết kỳ trước tôi viết đến đoạn nào không, và lần nào viết cũng “mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề “sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sinh sống”. Không đọc 40 năm nói láo, sao ai có thể biết một người nổi tiếng uyên thâm, sắc sảo như Ngô Tất Tố lại tin lời Vũ Bằng thành tâm học thuộc làu mấy từ “tiếng Pháp” do Vũ Bằng dạy: “đanh đông” là cái đỉnh đồng, “lơsơvơ” là anh sợ vợ, “laboratoire” là Lã Bố ra tòa... để thiếu chút nữa thì có thể uất đến thổ ra máu như Chu Công Cẩn.

Rồi cả những chuyện thời đó ra một tờ báo nhanh chóng như thế nào và đóng cửa một tờ báo cũng nhanh chóng và dễ dàng không kém (nên mới có những tờ như Rạng Đông, Công dân, Vịt đực... chỉ thọ được vài ba chục số là lặn một hơi). Rồi chuyện bọn Thực dân không từ thủ đoạn nào để khủng bố những người làm báo dám công khai đả kích quan trường, lên án chế độ thuộc địa.

Chuyện tờ Công dân chấp nhận đóng cửa chứ nhất quyết không hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người theo yêu cầu của bọn mật thám. Chuyện các nhà báo mắc bẫy Pháp quay sang đả kích căm thù lẫn nhau. Chuyện hầu hết các nhà báo, nhà văn ai cũng “nghiện lõ đít”, hút á phiện sáng đêm, chơi cô đầu tưng bừng... Cả một thời kỳ sôi động và đầy biến động của báo chí nước nhà đã được Vũ Bằng “tua” lại bằng ký ức của mình tươi mới và nóng hổi như ngày hôm qua.

Chỉ vì thế, cộng thêm vì cái “hách” mà không nghề nào có được như nghề làm báo mà Vũ Bằng tả lại đã khiến tôi - khi chỉ là học sinh trung học cơ sở - đã mang cái mộng tưởng trở thành nhà báo, để viết được những bài phải khiến kẻ thù sôi máu, khiến người dân hả dạ, khiến đồng nghiệp phục lăn như những cảm xúc mà những nhân vật trong sách đã được thưởng thức.

Rồi khi sau này đi làm báo, rồi khi sụp đổ cái mộng tưởng thì cũng chính cuốn sách này vực tôi dậy, gõ vào đầu tôi cho tỉnh táo, thực tế hơn, biết gạt ra ngoài danh vọng, ảo vọng nổi tiếng mà khi bước chân vào trường học nghề chỉ mang theo cái mơ hão ấy làm mục đích phấn đấu. Cũng có những điều mà mãi sau này làm báo rồi mới hiểu được và mới thấy tâm đắc: “Làm báo là một cái nghiệp, nhưng cũng là một cái tật. Lúc có báo phải nghĩ, phải viết, phải tìm cái mới, lạ để hơn người, thêm vào đó lại phải giải quyết, phải đối phó, lắm khi người viết báo cảm thấy mình khổ hơn con chó, và chỉ muốn tung hê đi tất cả để mà nghỉ ngơi cho nó khỏe khoắn tâm hồn và thể xác...

Nhưng không lâu đâu, chỉ dăm bữa nửa tháng, thì lại thấy buồn tay, muốn viết và cảm thấy không có tờ báo để làm thì chán không để đâu cho hết”. Lúc chưa vào nghề, tôi đã không chú ý lắm đến đoạn này. Nhưng khi đã đi làm báo rồi mới thấy sao mà thấm thía.

Đã có lúc tôi chán nản (vì nhiều nguyên nhân: sức khỏe, tâm lý, thất vọng về nghề...) đến mức chỉ ao ước mình biết làm một cái gì khác ngoài viết lách để không phải cứ mãi ngồi viết báo như thế này. Nhưng khi làm được 1 bài viết nên hồn thì bao hứng khởi ở đâu lại dồn về, lại sôi lên, lại hồ hởi đi, hồ hởi viết như thể chưa hề có cái giây phút chán chường kia. Cứ như thế, chán rồi lại hứng, thất vọng rồi lại hy vọng, nhụt chí rồi lại phấn khích, tất cả những cung bậc ấy đều do nghề báo tạo ra, nghề báo đem lại, nghề báo tung hứng với dây thần kinh cảm xúc của mình.

Cho đến lúc này, có một điều trùng hợp là ba nhà văn mà tôi học hỏi được nhiều nhất trong cách viết báo lại đều họ Vũ, đó là Tam Lang Vũ Đình Chí, Thiên Hư Vũ Trọng Phụng và Tiêu Diêu Vũ Bằng. Nhưng nếu như Tôi kéo xe và các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cho tôi cách làm phóng sự, cách viết phóng sự thì 40 năm nói láo của Vũ Bằng cho tôi nhiều kiến thức báo chí sâu rộng và thôi thúc tôi cái ham mê đọc sách.

40 năm nói láo đã kích thích tôi đi tìm hiểu nhiều điều mới mẻ chỉ vì những chi tiết cỏn con nhưng hấp dẫn vô tả. Ví như cái bí danh Nguyễn Khặc Khừ của Tản Đà chẳng hạn. Nếu chỉ biết ông tên là Nguyễn Khắc Hiếu như sách giáo khoa văn học lớp 8 ngày xưa nêu trong tiểu sử, tôi sẽ chẳng bao giờ cất công đi tìm hiểu về Tản Đà làm gì. Nhưng vì Vũ Bằng gọi ông là Nguyễn Khặc Khừ nên bao nhiêu thơ của Tản Đà, bao nhiêu giai thoại về ông, tôi phải tìm đọc cho bằng thỏa, cho đến khi nào biết hòm hòm cái sự “khặc khừ” của ông mới thôi.

Hay như khi Vũ Bằng kể chuyện về Tchya Đái Đức Tuấn mà ông gọi nôm là Tẩy Xìa, tôi bị hút dính vào cái bài thơ dịch Tương tiến tửu mà Tchya đọc cho Vũ Bằng nghe trong cái đêm mùa đông “mưa xanh gió tím” ở tiệm hút ngõ Gia Ngư. Tôi đã tìm tư liệu về Tchya nhưng thất bại. Nhưng tôi đã tìm được bài Tương tiến tửu, thuộc làu bản phiên âm chữ Hán và nhiều bản dịch thơ khác nhưng so sánh vẫn thấy không bản dịch nào êm ái, buồn cái buồn của kẻ say rượu mà lồng lộng khí khái của Lý Bạch như cái bản dịch của Tchya. Chỉ có điều toàn bộ bản dịch ấy không thể tìm được, chỉ có một đoạn ngắn ngủi may thay Vũ Bằng còn nhớ và ghi chép lại. Nhờ thế mà tôi mới thích Lý Bạch, mới chịu đọc thơ ông, mới yêu thơ ông chứ nhất định không phải vì bài thơ Vọng Lư sơn bộc bố được học hồi phổ thông.

Tôi học được nhiều điều từ 40 năm nói láo, trong đó có một giai đoạn sinh viên, tôi bị chững lại không viết được một cái gì trong suốt nửa năm, cho đến khi nhớ ra cuốn sách và đọc lại. Điều kỳ diệu là cuốn sách đã cho tôi một cách viết mới, thoát bỏ lối viết mà đến tự mình đọc lại cũng thấy nhàm chán trước đây. Thế nên với tôi, 40 năm nói láo không phải chỉ là một cuốn sách, mà còn là một ân nhân.                           

Hoàng Hồng