Ai thực sự gặp khó?

ANTĐ - Trong một tháng Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động 2 lần với 2% để hạ nhiệt lãi suất cho vay nhằm gỡ khó cho sản xuất kinh doanh. Chị Đặng Thị Nga (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng chỉ trông vào giảm trần lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay thì chưa đủ tạo ra động lực cần thiết cho xã hội.

- Tới đây, trần lãi suất huy động còn giảm nữa các doanh nghiệp cần vay vốn phải mừng lắm chứ?

- Lạm phát đang giảm, lãi suất giảm theo là hợp lý. Còn doanh nghiệp chưa hẳn đã mừng vì vay được tiền không hề đơn giản. Doanh nghiệp khó khăn khó có hồ sơ đẹp để vay vốn ưu đãi, lại phải vay theo kiểu “lãi thoả thuận” với lãi suất cao. Trong khi sức mua của thị trường lại đang giảm. Khối doanh nghiệp đang méo mặt vì hàng để trong kho sắp hết hạn mà chẳng biết bán cho ai.

- Đợt này các ngân hàng còn mở cửa trở lại với vay tiêu dùng, người dân cũng được nhờ chứ?

- Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất lớn. Nhưng thử hỏi, phần lớn người cần vay không có tài sản thế chấp, phải vay tín chấp, giấy tờ hồ sơ rất phức tạp, cũng chỉ vay được gấp 4,5 lần thu nhập. Thế mà qua các công ty trung gian, chỉ cần mất 3% tổng số tiền vay làm phí “dịch vụ” và cũng chỉ cần 1 bộ hồ sơ cùng lúc là có thể vay 2,3 ngân hàng với số tiền gấp 10 lần thu nhập.

- Theo chị, thế là lợi hay hại?

- Hại chứ. Người dân vay được nhiều tiền nhưng lãi suất sẽ cao, chở gánh nặng lớn. Số tiền 3% phí dịch vụ đấy vào túi ai? Chưa kể việc này dễ dẫn đến những khoản nợ khó đòi, nguy hiểm cho chính hệ thống tài chính.

- Các ngân hàng cần có trách nhiệm với xã hội hơn?

- Cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, đừng chỉ chạy theo lợi nhuận. Khi doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, người dân cải thiện được cuộc sống, các ngân hàng sẽ được lợi nhiều nhất. Đừng lúc nào cũng kêu khó khăn, phải tăng lãi suất không thì vỡ hệ thống, trong khi năm nào cũng lãi lớn. Thực tế rất đơn giản để nhận ra ai thực sự đang gặp khó, ngân hàng, doanh nghiệp, hay người dân?