Ai sẽ là “chuột bạch”?

(ANTĐ) - Sau thời gian dài chờ đợi, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ bản Quy hoạch hệ thống các trường đại học - cao đẳng tại Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ảnh minh hoạ

Tên bản quy hoạch tuy dài dòng nhưng hàng trăm nghìn giảng viên, sinh viên đang có mặt ở Hà Nội chỉ muốn tìm ở văn bản này xem tên trường mình có trong danh mục phải di dời hay không? Song có tìm đỏ mắt, họ cũng không thấy được điều mình muốn. Bởi dù đặt ra rất nhiều chỉ tiêu, địa điểm, tiêu chí... song quy hoạch này không nêu đích danh một cái tên nào sẽ phải di dời khỏi trung tâm Hà Nội.

Câu chuyện di dời các trường ĐH-CĐ ra khỏi trung tâm Hà Nội đã có từ hàng chục năm nay. Đáng tiếc, sau hàng nghìn ý kiến, hàng trăm cuộc họp, các trường vẫn “cố thủ” vững chắc, chưa có ý định rời ra ngoại thành. Ngay như dự án di dời đình đám nhất, quy mô nhất, “làng” đại học lớn nhất đất nước - dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, sau gần 8 năm kẽo kẹt, tới nay, vẫn là bãi đất trống. Chưa biết tới khi nào, đơn vị này mới có thể đón sinh viên tới học!

Trước khi Bộ Xây dựng trình bản đồ án quy hoạch, vấn đề di dời các trường ĐH-CĐ cũng đã được xới xáo lại sau nhiều năm im lặng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, không có chuyện bàn lùi, di dời là chuyện bắt buộc. Thế nhưng, ngay khi đó, nhiều trường     ĐH-CĐ đã than khó, than khổ nếu phải di dời. Họ không quên nhắc lại những mô hình di dời thí điểm trước đây như Xuân Mai hay Hương Canh  đã thất bại hoàn toàn... Có vẻ như, chẳng ai muốn tự đưa mình ra làm “chuột bạch” để các bộ, ngành thí... điểm cả.

Quy hoạch rốt cuộc cũng chỉ là cái “khung” để các bộ, ngành, trường ĐH-CĐ “soi” vào đó rồi hồi hộp tự dò xem mình được xếp vào dạng nào. Để di dời được một trường học, cần hàng chục hécta đất, hàng chục triệu USD và vô vàn con tính khác. Thế nên, nếu cứ mãi lo lợi ích cục bộ, bàn lùi không được, bàn tiến cũng chẳng xong và không có sự quyết liệt trong chỉ đạo, thì dù có kéo dài cả chục năm nữa, các trường ĐH-CĐ vẫn chỉ di dời trên... quy hoạch mà thôi.