Họa sĩ Lương Xuân Đoàn:

Ai sao chép, người đó không xứng đáng được gọi là nghệ sĩ

ANTĐ - Thời hiện đại, mạng xã hội lên ngôi, chẳng phải chỉ có thơ, văn mới bị xào xáo, ăn cắp mà ngay cả hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc… đều không ngoại lệ. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ai sao chép, người đó không xứng đáng được gọi là nghệ sĩ ảnh 1Họa sĩ Lương Xuân Đoàn 

Nhức nhối vấn đề bản quyền

- PV: Thưa ông, trong đời sống mỹ thuật hiện nay chuyện đạo tranh, nhái tranh diễn ra như thế nào?

- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Theo tôi, câu chuyện bản quyền nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật hiện nay vẫn đang thực sự nhức nhối, rất cần có những hồi chuông cảnh báo. Đặc biệt, trong thời kỳ mà tranh được giới thiệu trên mạng, bán trên mạng, đặc biệt là nhiều họa sĩ sử dụng mạng xã hội để “khoe” (ta tạm gọi như vậy) những tác phẩm mình vừa hoàn thành, hoặc sắp hoàn thành thì việc bị đạo ý tưởng, ăn cắp ý tưởng lại cực kỳ khó kiểm soát. Lúc đó, vấn đề tranh chấp bản quyền càng khó định đoạt.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, để tránh bị đạo tác phẩm, các nghệ sĩ cần sớm đăng ký bản quyền?

- Chúng ta cũng đã có Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng không phải bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng quan tâm để đi đăng ký. Đó là chưa kể, với họa sĩ, vẽ là việc hàng ngày, mà để đưa đi đăng ký một tác phẩm cũng đòi hỏi những thủ tục nhất định, cũng tốn thời gian. Trong khi đó, anh em họa sĩ lại có người vẽ tranh để bán. Khi thấy tác phẩm của mình ăn khách thì vẽ đi vẽ lại nhiều lần để có thêm chút kinh tế. Chính vì thế mới có chuyện có khách mua tranh đã mang trả vì phát hiện bức tranh mình mua không phải là tác phẩm duy nhất. Cũng như trong sáng tác văn chương, họa sĩ sẽ là người hiểu rõ tác phẩm của mình nhất. Chỉ có tác giả đích thực của bức tranh mới có thể lý giải rõ ràng, mạch lạc về hình tượng, bố cục tác phẩm, màu sắc mình sử dụng. Còn những người vẽ nhái lại, chép lại thì rất dễ để phát hiện.

- Phải chăng khi bước vào thời kỳ thị trường, hội nhập, vấn đề bản quyền mới thực sự được coi trọng, thưa ông?

- Ngày xưa, đời sống còn khó khăn, cuộc sống cũng có phần hồn nhiên hơn bây giờ. Vì thế, vấn đề bản quyền chưa được coi trọng, thậm chí không được đặt ra. Danh họa Bùi Xuân Phái có thể vẽ tranh trên vỏ bao thuốc lá hay bất cứ tờ giấy nào ông có được, rồi tặng bạn bè, mang tranh đi đổi chỉ để uống cà phê. Sau này, khi mỹ thuật bước vào thời kỳ đổi mới, sự tặng tranh, cho tranh dè dặt hơn. Mối quan hệ cũng khác hơn xưa. Các họa sĩ khi dấn thân vào thị trường cũng quyết liệt hơn. Nhưng lúc này lại xuất hiện vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là các cửa hàng tranh chép kém chất lượng. Nhiều tác giả bị xâm phạm bản quyền, không hề có sự xin phép nào.

Mặc dù đã có quy định của Nhà nước về chuyện chép tranh, rằng sau khi họa sĩ mất 50 năm, rằng tranh chép phải nhỏ hoặc lớn hơn kích thước bức tranh thật, rồi bức tranh chép lại không được giả chữ ký tác giả… nhưng xem ra chuyện này ít khả thi. Bên cạnh đó, hiện nay bản quyền mỹ thuật cũng còn nhức nhối chuyện các tác phẩm mỹ thuật giả mà “như thật”, được làm ra bởi một nhóm người, trong đó có cả những người rất thân thiết của họa sĩ. Sau đó, những bức tranh giả này được in trang trọng vào vựng tập, xuất hiện trong các cuốn sách cực kỳ sang trọng, in cả song ngữ… Nhiều nhà sưu tập còn bị mắc lừa, đừng nói đến chuyện công chúng bình thường có thể phát hiện. 

Cần có cơ chế xử lý nghiêm

- Vậy theo ông, có cách nào để ngăn chặn sự xâm phạm bản quyền đang dần trở nên công nhiên như hiện nay?

- Đến lúc này thì vẫn “bó tay”. Tranh chép vẫn xuất hiện tràn lan, không chỉ ở vỉa hè, mà xuất hiện ngang nhiên trong các gallery. Nhiều họa sĩ đã vô cùng bức xúc về chuyện này. Có họa sĩ đã thẳng thừng phản đối bằng việc rạch bỏ bức tranh chép lại tác phẩm của mình được treo trong gallery mà mình vẫn cộng tác. Nếu Nhà nước không quản lý được hệ thống gallery thì thị trường mỹ thuật Việt Nam rất khó phát triển. Hiện nay, hệ thống gallery của chúng ta vẫn còn hoạt động mang tính nghiệp dư, chủ yếu là nhằm mục đích thương mại chứ chưa phải là nơi để giới thiệu những tác giả, tác phẩm xứng đáng. Trên thế giới, các gallery được Nhà nước thừa nhận tư cách pháp nhân, làm việc chuyên nghiệp, có tư cách công bố các khuynh hướng nghệ thuật mới, tổ chức các sự kiện nghệ thuật, giới thiệu tác giả, tác phẩm…

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, mỗi nghệ sĩ cần phải hết sức giữ gìn, bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ của  mình. Nghệ sĩ chân chính khi sáng tạo ra tác phẩm phải là tác phẩm độc bản, không lặp lại, kể cả lặp lại chính mình. Đã là nghệ sĩ thì phải có được tiếng nói riêng của mình. Tiếng nói đó có thể được công chúng đón nhận hoặc không, nhưng đó là tiếng nói cá nhân, dấu ấn cá nhân, thương hiệu cá nhân. Tất nhiên, nghệ sĩ cũng có quyền được học hỏi, được ảnh hưởng từ những tinh hoa của nhân loại. 

- Ông có hy vọng vào những gương mặt trẻ hiện nay?

- Tôi rất hy vọng ở thế hệ trẻ hiện nay, ở các lĩnh vực nghệ thuật, họ sẽ đi được xa trên cơ sở học hỏi công khai, nhưng phải có dấu ấn cá nhân. Khi mỹ thuật Việt Nam đang được đánh giá là tụt dốc thì cần có một thế hệ “xoay bản lề”. Còn những ai đã có tâm lý lười sáng tạo, ỉ lại, sao chép thì rất cần những cơ chế xử lý nghiêm,  như tôi đã nói ở trên, họ không đáng được gọi là nghệ sĩ. Đó là điều đương nhiên. 

Xin cảm ơn ông!