Ai rẻ rúng tiền lẻ?

ANTĐ - Những năm gần đây, trong dịp Tết cổ truyền,  tại các chùa, đền thờ hoặc di tích lịch sử văn hóa, thường tái diễn tình trạng phản cảm chen chúc, xô đẩy nhét tiền lẻ vào tượng Phật, tượng thánh; ném tiền xuống giếng, bể nước chùa; rải tiền vung vãi khắp chốn thờ cúng thâm nghiêm...

Do hiểu không đúng về ý nghĩa tâm linh, một bộ phận không nhỏ người dân đã “tranh thủ” rải tiền nơi đình chùa, đền thờ trong dịp lễ Tết. Điều này đã trở thành một vấn đề “nóng”, lặp đi lặp lại, nhưng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Không chỉ các nhà nghiên cứu tôn giáo, văn hóa, ngay cả các vị Hòa thượng, chức sắc Phật giáo đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh tỉnh người dân: Không nên nhét tiền vào bụng, tay tượng bởi đó chẳng qua là hành vi “hối lộ” thần thánh.

Việc đốt vàng mã cũng là đi ngược lại truyền thống tín ngưỡng của người Việt, dân tộc Việt Nam. Tiếc thay, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, chưa tỉnh ngộ, vẫn vung tay vãi tiền nơi tôn nghiêm, nhất là vào dịp lễ Tết. Mặc dù trong mấy năm gần đây, các cơ quan quản lý văn hóa đã kết hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, siết lại trật tự, nhất là hoạt động đổi tiền lẻ tại các địa điểm tập trung khách thập phương đi lễ bái, song, thực tế vẫn chưa thể xóa được các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, buôn thần bán thánh như bói toán và nhất là dịch vụ đổi tiền lẻ công khai.

Có cầu ắt có cung, còn nhiều người chưa từ bỏ thói quen dùng tiền lẻ để cầu mong, xin xỏ Phật, thánh “ban” cho tài lộc, chức tước, đất đai, nhà cửa... thì nhu cầu tiền lẻ vẫn tiếp tục được duy trì, chưa biết đến bao giờ ngừng. Giờ này năm ngoái, Bộ VH-TT&DL đã phải ban hành văn bản yêu cầu các Sở VH-TT&DL, Ban quản lý di tích cần tiếp tục phối hợp tuyên truyền, chấn chỉnh các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng, lưu thông đồng tiền Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các di tích, công trình tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội.

Hoạt động dịch vụ về đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên di tích, lễ hội cần được rà soát, loại bỏ. Thế nhưng, nạn rải tiền vẫn chưa thuyên giảm.Hãy đặt những “núi” tiền lẻ dùng để cúng lễ bên cạnh những khoản tiền nhỏ nhoi của bao người lao động, có ai suy  nghĩ gì không? Ai rẻ rúng tiền lẻ? Họ chẳng những coi thường đồng tiền quốc gia mà còn coi rẻ đồng tiền chân chính, trong sạch của người lao động thu nhập thấp.

Dịp Tết Bính Thân 2016, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm việc không chi các loại tiền mới in nếu còn tồn kho các loại tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Đây là chủ trương đã được phía Ngân hàng Nhà nước thực từ năm 2013. Liệu Tết này, những người còn muốn rải tiền lẻ ở đình, chùa có tỉnh ngộ ra không?