Ai giải mã... mã độc?

ANTĐ - Dư luận xã hội giật mình trước thông tin những chiếc điện thoại di động giá rẻ “Made in China” có thể khiến người dùng bị mất tiền trong tài khoản mà không hay biết.

Hiểm họa từ mã độc đã được minh chứng bằng con số 2,67 tỷ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Vinamob (Hà Nội) âm thầm ăn trộm từ người dùng điện thoại giá rẻ tại Việt Nam thời gian vừa qua. Điều đáng nói là, hầu hết đối tượng sử dụng chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, công nhân. 

Người mua vốn eo hẹp tiền bạc, chỉ nhìn thấy điện thoại “đẹp mã”, nhiều tính năng, giá rẻ là mua, chẳng cần biết xuất xứ từ đâu, được cài đặt những gì bên trong. Giám đốc Công ty bảo mật NTS cảnh báo, việc điện thoại bị cài sẵn mã độc rất khó phát hiện.

Người dùng nếu không có chuyên môn bảo mật cũng không thể tìm thấy mã độc này để thay thế cấu hình hoặc xóa bỏ. Một chuyên gia về phòng chống mã độc cũng khẳng định, với điện thoại phổ thông, việc gỡ bỏ phần mềm độc hại là tương đối phức tạp, không dễ để người sử dụng có thể tự làm được. Vị này đưa ra lời khuyên, không nên ham rẻ mà bỏ qua việc kiểm tra xuất xứ, uy tín của nhà sản xuất.

Lời khuyên thật chí lý và hầu như ai cũng hiểu rằng “của rẻ là của ôi”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phải nhanh chóng vào cuộc trong việc giám định mã nguồn phần điện thoại di động nhập vào Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng, nạn nhân của những điện thoại đã cài sẵn mã độc này. Không thể để người tiêu dùng “tiền mất, tật mang”.

Theo số liệu ban đầu, trong 1 năm, từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, điện thoại của những nạn nhân của Vinamob đã tự động gửi hơn 673.000 tin nhắn đến đầu số tính phí, đem về cho công ty này lợi nhuận bất chính tới 2,67 tỷ đồng, một số tiền quá lớn so với giá bán chiếc điện thoại. Sự tiếp tay, “nối giáo” cho các công ty Trung Quốc để làm ăn phi pháp, kiếm tiền bẩn của Vinamob nguy hiểm không kém hành vi của những kẻ buôn lậu sữa trẻ em, đồ chơi độc hại, rau củ quả, thực phẩm “tẩm độc” từ biên giới phía Bắc. Bởi mã độc được cài đặt trong điện thoại di động, máy tính giá rẻ sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho người dùng.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, người tiêu dùng trong nước đã trở thành nạn nhân của bao sản phẩm độc hại song dường như bàn tay của cơ quan chức năng chưa đủ sức ngăn chặn, chỉ đến khi người tiêu dùng “ăn” phải của độc rồi thì mới được cảnh báo, khuyến cáo. Việc giải mã mã độc chắc chắn không chỉ dừng lại ở mặt hàng điện thoại di động nếu chúng ta không chủ động “nâng cao cảnh giác”, phòng ngừa từ xa.