Ai đứng sau vụ nổ bom tại Thái Lan

ANTĐ - Vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tại đền thờ Erawan và vụ nổ lựu đạn sau đó. Trong một tuyên bố với báo giới, Thủ tướng Prayuth nói rằng: “có vẻ như có những cá nhân hoặc nhóm đang nuôi dưỡng ý đồ làm hại Thái Lan“. Cả đất nước Thái Lan đang dồn sức cho cuộc điều tra tổng lực truy tìm thủ phạm vụ đánh bom. Chính phủ Thái lan cũng đã kêu gọi Interpol quốc tế phối hợp truy tìm thủ phạm.
Ai đứng sau vụ nổ bom tại Thái Lan ảnh 1

Tòa án đã ra lệnh bắt đối tượng tình nghi chính

Chiều ngày 19-8, Tòa án Hình sự Nam Bangkok đã phát lệnh bắt giữ nghi can đầu tiên liên quan đến vụ đánh bom tại đền thờ Erawan hôm 17-8 với những cáo buộc âm mưu phạm tội giết người, âm mưu gây nổ, phá hoại tài sản và sở hữu chất nổ.

Theo đó, đối tượng bị phát lệnh bắt giữ là một người nước ngoài chưa được công bố danh tính. Hiện cảnh sát Thái Lan đang truy nã kẻ tình nghi theo bức phác thảo được công bố trước đó. Nghi can là một người đàn ông có nước da sáng màu, để râu, tóc đen và đeo kính.

Cảnh sát cũng cung cấp thêm thông tin về nghi phạm mặc áo vàng, đã được nhận dạng qua phác họa, khi nói rằng người này là “dân Kavkaz, Arab hoặc pha trộn”, tuổi từ 20 đến 30 và cao khoảng 1m70. Cảnh sát đang treo giải thưởng 1 triệu Bath (28.000 đôla) cho ai cung cấp thông tin đưa đến việc bắt giữ nghi can. Cảnh sát cũng treo thưởng 30.000 bạt với tài xế tuk tuk chở nghi phạm đến đền Erawan nếu liên lạc với cảnh sát. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lo sợ nghi can “có thể bị giết để bịt đầu mối”, ông kêu gọi kẻ tình nghi hãy ra đầu thú trước pháp luật để nhận sự khoan hồng.

Lên kế hoạch trước một tháng

Nhịp sống đã trở lại Bangkok sau cuộc đánh bom đẫm máu tối 17-8 làm 20 người chết và 125 người bị thương. Tại đền thờ Erawan, hay còn gọi là Đền thờ Phật bốn mặt, một trong những ngôi đền được xem là linh thiêng nhất Bangkok, lại nằm ở trung tâm, gần khu mua sắm Central World, BigC, Siam Paragon nên thường thu hút rất đông người đến, đặc biệt là du khách, dù đã được mở cửa trở lại nhưng số lượng người đến giảm đi đáng kể. Những khu vực hay tập trung đông người cũng thưa thớt hơn. Cảnh sát trưởng Thái Lan cho biết ít nhất 10 người tham gia vụ đánh bom.

Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng Thái Lan Somyot Pompanmuang cho biết: “Số này gồm người canh chừng trên phố, chuẩn bị bom, những người ở hiện trường và người biết đường tẩu thoát. Vụ tấn công đã được các đối tượng lên kế hoạch trước đó khoảng hơn một tháng và sau đó được tiến hành bởi hơn 10 đối tượng”. Chưa đầy 24 giờ sau đó, một thiết bị nổ nhỏ được ném từ trên cầu định nhằm vào bến tàu đông đúc Sathorn, nhưng đã rơi xuống sông Chao Phraya và phát nổ mà không gây ra thương vong. Cảnh sát Thái Lan cho biết họ chưa thể kết nối hai sự việc nhưng hai thiết bị gây nổ có nhiều điểm giống nhau.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn cảnh sát Prawut Thavornsiri nói rằng ông “không chắc chắn” nơi có thể tìm được nghi phạm chính vì nghi phạm có thể không còn ở Thái Lan. Ông Prawut cho biết, cảnh sát đang trong quá trình thu thập những đoạn phim camera quay khu vực này trở lại một tháng trước. Ông nói thêm rằng nghi phạm cũng là một phần của mạng lưới lớn hơn. Cảnh sát Thái Lan đã yêu cầu Interpol giúp đỡ. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi từ Interpol, nhưng họ đang cố gắng để giúp đỡ. Các quốc gia đang cố gắng để giúp đỡ“.

Nhiều giả thuyết được đặt ra

Cho đến nay, ít nhất 6 giả thuyết đã xuất hiện sau vụ đánh bom từ các dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, những kẻ khủng bố Hồi giáo, phe áo đỏ chống Chính phủ, lực lượng ly khai từ phía Nam đến bàn tay của chính chính quyền quân sự hay những người không hài lòng với cuộc cải tổ Nội các sắp tới của Chính phủ Thái Lan. Cảnh sát trưởng quốc gia Somyot Pumpunmuang cho biết, đến nay cảnh sát không lại trừ bất cứ một động cơ nào đằng sau vụ tấn công bom, từ khủng bố đến chính trị nội bộ, nhưng ông tin rằng những kẻ tấn công nhằm mục đích phá hoại lòng tin của người dân đối với Chính phủ.

Kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ năm 2006, đất nước Thái Lan đã bị chia rẽ lớn với một bên là những người bình dân, đa số là người nghèo ở vùng Đông Bắc Thái Lan ủng hộ cựu Thủ tướng Shinawatra và anh trai bà là Thaksin. Còn bên kia là những người tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa ở Bangkok, cáo buộc anh em Thaksin tội tham nhũng. Nhà nhà phân tích Bobby Ghosh của CNN nhận định. “Có các nhóm chính trị chống đối chính quyền quân sự song đánh bom khủng bố không phải là phong cách của họ. Họ không đánh bom dân thường vô tội và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Thái Lan”.

Tháng trước Thái Lan bị chỉ trích vì trục xuất hơn 100 người Ngô Duy Nhĩ về Trung Quốc, nơi họ có thể bị xét xử. Quyết định trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ nói trên đã khiến biểu tình phản đối nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì người Duy Ngô Nhĩ có tương đồng trong ngôn ngữ và văn hóa với với nước này. Đại sứ quán Thái Lan ở Ankara và tòa Tổng lãnh sự ở Istanbul phải đóng cửa do sự phản đối này. Tuy nhiên Thủ tướng Thái Lan bác bỏ giả thiết vụ nổ có thể là hành động trả thù của người Ngô Duy Nhĩ vì ông cho rằng nếu muốn trả thù thì họ đã làm từ lâu.

Ngày 20-8, Phát ngôn viên Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) Winthai Suvari phát biểu trên truyền hình cũng tuyên bố rằng, những điều tra ban đầu cũng đi đến kết luận người Trung Quốc không phải là mục tiêu của cuộc tấn công vì có nhiều khách du lịch mang quốc tịch các nước khác có mặt ở đền thờ và bị thương khi bom nổ. 

Tài xế chở nghi phạm đến công viên Lumpini đã khẳng định rằng anh ta nói một thứ tiếng lạ, không phải là tiếng Anh và tiếng Thái đã làm dấy lên suy đoán nhóm khủng bố nguy hiểm ở nước ngoài đứng đằng sau vụ nổ bom. Theo Pavin Chachavalpongpun, một chuyên gia về Đông Nam Á, văn hóa Thái là văn hóa Phật giáo và các giá trị khoan dung. Việc chọn một địa điểm tôn giáo như đền Erawan cho thấy những người đứng sau cuộc tấn công này có thể không phải là người Thái. “Nếu việc này là về vấn về chính trị trong nước, thì đền Erwan không phải là nơi họ chọn”, ông nói.

Tuy nhiên Shaul Shay, một nhà nghiên cứu chống khủng bố nói rằng các nhóm đó sẽ không đánh bom như vậy vì thường thì các nhóm như IS và Al Qaeda thích tấn công tự sát, vì họ có thể đảm bảo thời gian và địa điểm, và tạo ra hiệu ứng tâm lý cho những người xung quanh. Tuy nhiên, các nhóm này cũng có lúc sử dụng các phương pháp khác”, ông nói.

Bên cạnh đó là lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan. Lực lượng vũ trang Thái Lan đã tiến hành chiến dịch kéo dài vài thập kỷ để chống lại những phần tử Hồi giáo đòi ly khai ở nam Thái Lan, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc xung đột chưa bao giờ vượt quá phạm vi các tỉnh phía Nam. Nhà phân tích Bobby Ghosh cho rằng vụ đánh bom vừa qua “không giống phong cách” của phần tử ly khai ở miền Nam. “Đòi hỏi của họ giới hạn ở tầm khu vực thôi và họ có xu hướng tấn công vào các mục tiêu quân sự và an ninh”, chứ không phải là dân thường và du khách.

Đòn mạnh vào nền kinh tế Thái Lan đang khó khăn

Khi lên cầm quyền sau cuộc đảo chính tháng 5 năm ngoái, chính quyền quân sự hứa hẹn sẽ mang lại an ninh và ổn định sau nhiều tháng bất ổn và bạo lực chính trị cho Thái Lan. Thế nhưng, căng thẳng gần đây trở lại nước này khi ngày tổ chức tổng tuyển cử liên tục bị trì hoãn và xuất hiện chỉ trích về dự thảo hiến pháp mới. Theo Greg Barton, giáo sư chính trị tại Đại học Deakin, Ausalia, vụ đánh bom vừa qua có thể làm xói mòn niềm tin vào pháp luật, trật tự, và an ninh cơ bản trong vương quốc. Nếu chính quyền không nhanh chóng đạt được đột phá trong việc điều tra, thì họ có thể phải đối mặt với áp lực là phải nhờ cậy đến nước ngoài. Việc này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi chính quyền quân sự của quốc gia đầy hãnh diện này lại không thể tự giải quyết được vụ việc. 

Hai vụ đánh bom tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Thái Lan. Cụ thể, ngành du lịch Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng có lẽ chỉ ở mức trung hạn. Tính đến hết tháng 7 năm nay, Thái Lan thu hút tới 17,5 triệu du khách nước ngoài, đem lại nguồn thu 25 tỷ USD và đây là ngành nghề thường mang lại gần 10% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Một số nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục nhìn nhận Thái Lan là một địa chỉ có độ rủi ro sau khi nền chính trị nước này xảy ra khủng hoảng liên tục, đặc biệt là cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014.

Alicia Seah, Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty lữ hành Dynasty ở Singapore, cho biết khoảng 60% trong số 150 du khách đặt vé đến Bangkok vào tháng 9 để dự các cuộc họp và hội nghị, đã yêu cầu thay đổi địa điểm. Đồng bath Thái một ngày sau vụ đánh bom đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Tại Việt Nam, hàng loạt các công ty du lịch lữ hành cũng ghi nhận tình trạng ồ ạt khách hủy vé, đổi chuyến bay đến Bangkok sang các thị trường khác.