Ai dạy con, dạy từ khi nào?

ANTĐ - Cả bố và mẹ cùng dạy con. Song thực tế cuộc sống cho thấy người mẹ gần con, tiếp xúc với con nhiều hơn kể từ lúc đứa con được sinh ra ít nhất tới tuổi con đi học trong điều kiện bình thường đối với mọi nhà. 
Ai dạy con, dạy từ khi nào? ảnh 1
Minh họa: Internet

Người mẹ cũng là người đầu tiên bằng việc cho con ăn, ngủ, tè, ị đúng giờ giấc ngay từ những ngày đầu cho con bú. Và cũng chỉ có người mẹ (người bà) nghe tiếng khóc của con mà biết được con muốn gì, con đang làm sao mà nựng, dỗ con, hướng cho con quen dần với cách nuôi của mình, ăn, ngủ có giờ giấc. Tiếp theo là dạy con nghe theo những tín hiệu, bàn tay nâng đỡ cho con lẫy, bò, ngồi, niêng niêng cho con tập đi, dạy con phát âm tiếng nói, tiếng gọi đầu tiên, câu nói ngắn đầu tiên đồng thời dạy con biết nhìn, nghe và thực hiện các động tác, cử động chân tay, vịn, cầm, nắm, gạt, giơ tay, múa, đi, chạy, cùng các tư thế nằm, ngồi, đứng, đi, chạy… Chỉ có người mẹ là người hình thành giới tính cho con tốt nhất, có kết quả nhất. Những việc ấy, người cha không thể dạy con được như, được nhiều bằng người mẹ. 

Đến tuổi con đi học, người cha có thể giúp cho con học hành nhiều hơn người mẹ. Song, người mẹ vẫn phải “để mắt” đến việc học của con. Lại còn những việc mà chỉ người mẹ mới dạy cho con biết được như khâu vá, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu bếp, tiếp khách. Ở nông thôn thì còn thêm việc đồng áng. Nơi thành thị là làm ăn buôn bán, trông nhà khi cha mẹ đi vắng. Ít có người cha nào đảm đương nổi “trăm thứ bà rằn” ấy. Có lẽ căn cứ vào khả năng tuyệt vời ấy của người mẹ như thế mà người xưa có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… Đổi lại, là lời vinh danh: “Con ngoan nhờ mẹ”… Bởi ngoài mẹ, còn có bà nội, bà ngoại hỗ trợ cho người mẹ dạy con khi bà đến nhà trông nom cháu hoặc bà nuôi cháu thay cha mẹ cháu khi gia đình có khó khăn, “biến cố” nào đấy.

Tạo hóa đã phú cho nữ giới thiên năng sinh nở và làm mẹ, cho nên từ trong nhà ra xã hội, không ai hiểu con bằng mẹ và mẹ là người quan trong nhất trong việc dạy con. Đấy là niềm vui và đấy cũng là nỗi khổ của người mẹ. Cho nên người con nào từ lúc còn ẵm ngửa cho đến tận tuổi già, ai cũng quấn mẹ hơn cha và khi gặp hoạn nạn, nguy hiểm đều kêu lên: “Mẹ ơi!...”.

Người mẹ đã dạy cho con ngay từ lần đầu tiên cho con bú. Vì bé đã biết bú đâu! Xa hơn, khoa học còn chứng minh rằng: Người mẹ có thể hình thành năng khiếu âm nhạc cho con bằng cách nghe nhạc có chủ định khi mang thai, đứa con ở trong bụng cùng nghe và từ đấy khi chào đời bé đã biết nghe nhạc một cách tự nhiên rồi.

Sữa mẹ cộng với cách nuôi con có khoa học, giờ giấc, luyện cho con tự biết thay đổi tư thế nằm, không đặt tay lên ngực bên trái, không nhìn ngước để tránh hiếng mắt, không nhìn dồn về giữa hai lông mày để tránh lác mắt.

Trong năm đầu tiên, từng ngày, thậm chí từng giờ, mẹ vừa nuôi, vừa dạy con từ: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi…” rồi tiếp tục theo độ tuổi lớn dần của con ít nhất là qua tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi). Ở từng độ tuổi, mẹ nâng dần việc dạy bảo, chăm sóc con và có từng yêu cầu cao hơn đối với con. Từ tuổi lên 3, mẹ đã có thể dạy con tự chăm sóc bản thân, dạy con học bằng cách nhận hình, nhận dáng con vật, đồ vật… theo chương trình học “vừa chơi vừa học” ở lớp Mẫu giáo. Con vào lớp Một, việc dạy con mở rộng, mỗi tuổi mỗi lớp một công phu hơn. 

Dạy con là một công việc liên tục, không ngừng, luôn thay đổi cách dạy con qua từng ngày, tháng, năm, độ tuổi.

Không nên chỉ dạy con khi có tình huống đời sống xuất hiện. Ví như hiện tượng đọc sách không chọn lọc, xem và chơi điện tử, lên mạng hú hí ở tuổi thiếu niên, thiếu nữ, bấy giờ các bậc cha mẹ mới giật mình nghĩ tới việc dạy con.

Có thể nói: dạy con là một loại hình công việc cần làm ngay, không chờ đợi, luôn luôn là bây giờ và ngay lập tức.