Ai đảm bảo "đầu ra"?

ANTD.VN - Tự chủ đại học là một chủ trương của ngành giáo dục được dư luận xã hội quan tâm, bàn luận, nhất là giới chuyên gia giáo dục cũng như các nhà giáo gắn bó với ngành giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước. 

Chủ trương này có thể coi như sự “cởi trói” cho các trường đại học, trong đó tự chủ về tài chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của nhà trường trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc một số trường đại học “tự chủ” bằng cách  tăng học phí khiến công luận không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi.

Trong các đợt thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng những năm gần đây, các trường ở tốp đầu luôn chiếm tỷ lệ áp đảo. Các trường này thu hút đông đảo thí sinh cũng là dễ hiểu bởi đó là những ngành “hot” được thị trường lao động “săn đón”, cầm tấm bằng tốt nghiệp dễ có cơ hội kiếm được việc làm ổn định, đồng lương và thu nhập hơn hẳn các trường khác. Tuy nhiên, với con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, học càng cao thì càng khó tìm việc làm, tới nay chưa có cuộc khảo sát, điều tra số liệu chính xác trường đại học nào, ngành nào cho “ra lò” đội quân có nghề mà thất nghiệp đó.

Ngành giáo dục cũng từng có yêu cầu các trường đại học theo dõi, thống kê số sinh viên ra trường tìm được việc làm hoặc “bơ vơ” giữa thị trường lao động nhằm làm căn cứ để đánh giá uy tín, chất lượng đào tạo và công khai cho xã hội, phụ huynh và thí sinh nắm rõ. Song, yêu cầu này không khả thi bởi các trường không thể lần theo bước chân của cử nhân sau khi bước ra khỏi cổng trường. 

Lâu nay dư luận đã nói quá nhiều về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, đào tạo theo kiểu “bấm nút” không đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của doanh nghiệp, công ty, nhất là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn thế, ngay cả những người được tuyển dụng hầu hết đều phải đào tạo lại vì rất thiếu kỹ năng mềm trong công việc, đặc biệt là trình độ tiếng Anh quá đuối.

Thực trạng này đã và đang diễn ra khá phổ biến không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. Mặc dù đã xuất hiện một số trường liên kết, liên doanh với công ty, doanh nghiệp tạo thành chuỗi đào tạo mang lại hiệu quả. Thế nhưng “khoảng trống” từ cổng trường đến cửa doanh nghiệp vẫn khó lấp kín. Trong bối cảnh này, việc tăng học phí rõ ràng gây bức xúc. Ai có thể đảm bảo “đắt xắt ra miếng”, đầu ra sẽ tương xứng, đáng “đồng tiền bát gạo” bỏ ra?