Ai đã khiến biển Đông dậy sóng?

ANTĐ - Trong tuần qua đã bắt đầu diễn ra cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. gần 7.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đã diễn tập tình huống đổ bộ lên bờ trong một cuộc tấn công giả định với mục đích giành lại hòn đảo nhỏ nằm gần khu vực tranh chấp trên biển Đông bị chiếm giữ trước đó. Trung Quốc và Philippines đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Cuộc đối đầu này đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi có sự can dự của Mỹ.

Sóng gió bắt đầu nổi lên ở Biển Đông khi hôm 8-4 vừa rồi, một máy bay do thám của hải quân Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi bãi đá ngầm Scarborough (phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Đây là một bãi đá cạn hình móng ngựa không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Tiếp theo vụ va chạm này là một loạt những diễn biến căng thẳng sau đó và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong cuộc đối đầu mới nhất này, người ta chứng kiến một Philippines cứng rắn hơn và quyết liệt hơn rất nhiều. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Philippines phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc như vậy là vì nước này tự tin hơn khi có được sự hậu thuẫn vững chắc của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới – Mỹ. Thay vì giữ thái độ im lặng như mọi khi, giờ đây Washington đã thể hiện sự ủng hộ với người đồng minh Philippines của mình bằng cả lời nói lẫn hành động.

Xét về sức mạnh quân sự, Philippines hiện đang thua rất xa so với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Hiểu được điều này, Mỹ đang tích cực cấp vũ khí hiện đại cho Philippines để đối phó với Trung Quốc. Hồi tháng 12 năm ngoái, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã chuyển giao cho Philippines tàu chiến BRP Gregorio del Pilar. Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất mà Philippines đang có trong tay. Manila đã điều con tàu này đến bãi cạn Scarborough hôm 8-4 vừa rồi để ngăn không cho tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá ở khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines đang diễn ra trong bối cảnh tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh khu vực Scarborough vẫn chưa lắng dịu. Cả Mỹ và Philippines đều khẳng định cuộc tập trận chung Balitakan 2012 đều không liên quan đến tình hình hiện nay và không hề nhằm mục đích đe dọa hoặc khiêu khích nước nào. Nhưng việc liên minh quân sự này tiến hành các cuộc diễn tập chiếm lại đảo hoặc giàn khoan ở vùng Biển Đông không thể không khiến Bắc Kinh hoài nghi và tức giận. Theo Báo Kommersant, những tuyên bố như vậy không trấn an được Bắc Kinh, một phần bởi vì Mỹ đã có kế hoạch tăng cường lực lượng ở khu vực châu Á. Theo chiến lược phòng thủ mới của Mỹ đã được Tổng thống Barack Obama công bố hồi đầu năm, trọng tâm ưu tiên quốc phòng của Mỹ được chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc muốn chi ít nhất 2,8 tỷ USD để sắm vũ khí cho quá trình dịch chuyển này. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn quân sự với Mỹ nên dù phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng Tổng thống Barack Obama khẳng định vẫn sẽ củng cố sự hiện diện quân sự tại đây.

Sự can thiệp của Mỹ vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông được cho là sẽ còn sâu hơn nữa một khi nước này đưa quân vào đóng cố định tại Philippines. Theo nhiều nguồn tin tiết lộ, trong cuộc gặp với ông Obama vào cuối tháng tư, Tổng thống Aquino được cho là đề nghị cho Mỹ đưa quân vào một căn cứ của Philippines ở Palawan, phía tây Thủ đô Manila chứ không chỉ là việc Mỹ đã triển khai 4.500 lính thủy đánh bộ và một loạt tàu chiến từ căn cứ ở đảo Okinawa, Nhật Bản đến hòn đảo Palawan của Philippines để tham gia cuộc tập trận kéo dài từ ngày 16 đến 27-4. 

Tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng. Cuộc đối đấu trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đến nay đã bước sang tuần thứ 3 liên tiếp mà vẫn chưa tìm được lối thoát mà thậm chí còn đang có tiến triển xấu khi hai nước liên tục đưa ra những lời thách thức và cả những động thái thách thức sức mạnh quân sự. Chỉ cần một khiêu khích dấn tới hơn nữa hoặc một cái đầu nóng thiếu kiềm chế cũng có thể biến những chạm trán này thành một xung đột quân sự. Vụ xua tàu cá tới để tìm kiếm va chạm với tàu hải quân Philippines tháng 4-2012 không khác gì so với vụ tàu cá Trung Quốc kiếm chuyện rồi đâm thẳng vào tàu phòng duyên của Nhật tháng 9-2010. Khác chăng là lần đó thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu cá Trung Quốc bị tàu phòng duyên của Nhật bắt giữ.

Trung Quốc đang “khuấy động” Biển Đông bằng việc tranh chấp với một loạt các nước quanh biển đông. Báo cáo ngày 23-4 về việc “Trung Quốc đang khuấy động biển Đông” của Tổ chức International Crisis Group - một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu các cuộc khủng hoảng trên thế giới - đã đánh giá nước đi của Trung Quốc hiện tại như sau: “Bắc Kinh ngày càng triển khai nhiều tàu tuần tra và bán quân sự với nhiệm vụ là khẳng định chủ quyền của Trung Quốc nơi các yêu sách lãnh thổ không rõ ràng. Việc này dẫn đến nguy cơ tạo ra thêm những đối đầu trên Biển Đông”. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tính toán tiến hành các cuộc chiến tranh cường độ thấp, hạn chế để giành quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, khi các nhà chiến lược nói về “Bế tắc Malacca”, họ có ý nói rằng các tuyến giao thông trên biển của Bắc Kinh rất dễ bị tổn thương. Vào thời điểm xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, con đường cung cấp dầu thô và quặng sắt để giữ sự tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc dễ dàng bị cắt đứt tại các eo biển nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.