Ai có tên trong danh sách “đen” của “gái gọi”?

ANTĐ - Ngày 11-6, cộng đồng cư dân mạng sôi lên sùng sục, liên tục “share” (chia sẻ) trang WordPress của một cô gái trẻ tự nhận đã hành nghề “gái gọi” trong nhiều năm và hiện đang có dự định giải nghệ. Theo như chủ nhân của blog gây “sốc” này, cô có “tên giao dịch” là Trúc Mai. Điều cô làm cư dân mạng sôi sục là trước khi giải nghệ, cô quyết định công bố  danh sách số điện thoại “khách hàng” với lời mở “sẽ tiếp tục cập nhật”…

Chưa biết thật - ảo ra sao, nhưng có rất đông người “soi” vào bảng danh sách “độc” để xem có số ĐTDĐ của mình, người thân, người quen trong đó hay không. Dư luận có phản ứng nhiều chiều về hành động trên, người đồng tình, người phản đối. Rất nhiều vấn đề được đặt ra sau vụ việc trên dù đó là sự thật, trò đùa hay “độc chiêu” PR. Câu hỏi ai có tên trong “danh sách đen” của “gái gọi giải nghệ” này? Câu trả lời là có cả những số điện thoại đang sử dụng của những người không liên quan và có cả những số điện thoại để kết nối với những trang web “đen”.

Bức tâm thư của gái gọi giải nghệ

Cô gái tự nhận mình là gái gọi có tên Trúc Mai viết một bức thư có nhan đề “Quên đi chuỗi ngày cực nhọc đắng cay!” kể rằng: “...Không có ý trách số phận mình hẩm hiu mà chỉ muốn trả lại những gì đã mang đến cho mình những tủi nhục. Trả lại cho các chị, mẹ và những người vợ đã trót tin yêu người đàn ông bên cạnh mình”. Theo cái cách mà cô gái này chia sẻ trên mạng thì cô lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm dư thừa vật chất, và tự tin vì sắc đẹp hơn người cộng thêm biết cách trang điểm và ăn chơi, sự khôn khéo và vị thế nổi bất. Cũng chính vì lợi thế đó có ngày cô đã phải tiếp đến cả chục vị khách và 12 khách/ngày là con số kỷ lục. Vì nghĩ đã đến lúc giải nghệ nên cô muốn trả lại tất cả những gì cuộc sống mang đến cho mình… 

Tuy nhiên, cô “gái gọi” Trúc Mai lại “đính kèm” nội dung: “Tôi mượn blog này và sẽ liệt kê ra đấy tất cả những tên và số điện thoại của những người đã cùng tôi “chinh chiến”… Tôi không có ý muốn trả thù mà chỉ trả lại cho hết, cho sạch nợ vì đơn giản nếu các anh không gọi thì tôi đâu có dịp gặp gỡ và thu thập bản danh sách khổng lồ này”… Trong danh sách tạm thời liệt kê gần 100 tên + số ĐTDĐ khác nhau của những người đàn ông được cô khẳng định đã từng là “khách hàng” của mình. Đặc biệt, một số “khách hàng… thân thiết”, thậm chí còn có cả địa chỉ tỉnh, thành phố. Hành động quá “độc” của Trúc Mai ngay lập tức khiến cộng đồng mạng và dư luận xã hội xôn xao bàn tán, bình luận, săm soi danh sách số ĐTDĐ và hồi hộp chờ đợi cô Mai “tung” tiếp số điện thoại mới. 

Ngày 13-6, Trúc Mai lại tiếp tục cho đăng tải bài viết có nhan đề “Đây là câu chuyện của cuộc đời tôi!” để phân bua, giải thích về cái “nghề” gái gọi, về mong muốn “vứt bỏ đi hết những gì mình không thích”… 

Giải mã danh sách “đen”

Đã có hàng chục nghìn “comment” (bình luận), like (thích), viết bài phản pháo của cư dân cộng đồng mạng về vụ việc trên. Không ít cứ dân mạng cho rằng đây chỉ là hành động của người rảnh rỗi, lên mạng “quăng bom” tạo “sóng” gây “bão” dư luận và quan trọng là để “câu like”. Có người lại đưa ra giả thuyết nếu đó là sự thật thì sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết.

Chúng tôi đã dùng một phép thử đơn giản là gọi điện đến một vài số điện thoại trong “list” (danh sách) mà Trúc Mai liệt kê thì không ít số điện thoại được đăng tải không đúng, số điện thoại này không có, thuê bao kia không liên lạc được, có máy đổ chuông bình thường nhưng không nhấc máy. Kỳ lạ nhất là có những số điện thoại Trúc Mai “ký hiệu” là anh thì người “bắt” máy lại là phụ nữ (?)… Đặc biệt có những chủ thuê bao tỏ ra khó chịu vì bị làm phiền, cằn nhằn vì không hiểu lý do gì mà vài ngày nay liên tục nhận được điện thoại đề cập đến sự việc tương tự; dò hỏi về cô Trúc Mai nào đó mà chưa bao giờ nghe tên; người thì bảo nhầm số, nhầm tên rồi dập máy luôn; có người còn chia sẻ rằng nếu tiếp tục bị làm phiền sẽ phản ánh với nhà mạng để nhờ “can thiệp” về vấn đề này vì “đang yên đang lành, không có gì mà bỗng dưng… từ trên trời rơi xuống cái chuyện chẳng lấy gì đáng tự hào này”… 

Theo hướng dẫn của một số “member” (thành viên) trên các mạng xã hội, chúng tôi tiếp tục sử dụng phép thử, lần lượt lấy từng số trong danh sách của Trúc Mai thông qua trang web tìm kiếm Google và kiểm tra, kết quả hết sức bất ngờ khi có quá nửa số ĐTDĐ được dẫn “link” (kết nối) đến những trang websex, diễn đàn “đen” nơi “show” (hiển thị) “hàng” chuyên nghiệp khi có đầy đủ “mật khẩu”, giá tiền, mô tả hình dáng, sắc đẹp, cung cách phục vụ, kỹ thuật của gái bán dâm và sẵn sàng “đi khách”. Ngay lập tức cộng động mạng đã đi đến kết luận: Đây là việc làm trá hình, một cách quảng cáo, tiếp thị số ĐTDĐ của gái mại dâm một cách trực tiếp, công khai và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Từ vụ việc người tự nhận là “gái gọi” có tên Trúc Mai tung lên danh sách kèm số ĐTDĐ của “khách hàng”, điều đáng nói là trong đó có những số điện thoại đang được sử dụng và trong thời của công nghệ phát triển rộng rãi thì việc lấy được số điện thoại của một ai đó dễ như thò tay vào túi. Nếu việc lấy số điện thoại bất kỳ “ném” vào danh sách “đen” rồi “tung” lên mạng là có dấu hiệu vi phạm hình sự. Trao đổi vụ việc với các luật sư, tất cả đều có chung ý kiến rằng nếu những số điện thoại trên là của những người bình thường, người đăng tải những số điện thoại không có bằng chứng chứng minh việc mua dâm như người này nói thì hành vi đó đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Ngoài ra, người công khai tên, số điện thoại và hành vi của người khác lên mạng phải biết hậu quả pháp lý của hành vi đó. Bởi nếu không chứng minh được những người bị đăng tải số điện thoại có hành vi mua dâm, thì việc công bố số điện thoại là xâm phạm vào nhân phẩm, danh dự của người khác, khiến sự nghiệp, uy tín và hạnh phúc gia đình họ bị ảnh hưởng là có dấu hiệu của Tội vu khống. 

Vấn đề ở đây là, có thể “gái gọi” Trúc Mai và những bức tâm thư của “một thời tủi nhục” là “ảo”, nhưng những số điện thoại trong cái danh sách “đen” kia lại là thật. Thực tế, không ít trang thông tin đã copy đăng tải lại danh sách này trên trang của mình cũng sẽ gây ảnh hưởng hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác khi phớt lờ đến tính bảo mật đời tư. Đây cũng là một chiêu thức “tung” scandal nhằm tạo sự thu hút của cộng đồng, hướng dẫn cách liên kết đến các trang web đen. Chính vì thế, từ “vụ việc Trúc Mai” nếu sự việc có dấu hiệu gia tăng, tình trạng tiếp tục tái diễn thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác minh, làm rõ đồng thời ngăn chặn kịp thời những biến tướng phát sinh dù đó là sự thật, trò đùa hay “độc chiêu” PR. 

Luật sư Chu Mạnh Cường, trưởng văn phòng luật sư danh chính, đoàn luật sư TP Hà Nội: Cần điều tra, ngăn chặn

- Giả thiết rằng “Trúc Mai” là một cái tên ảo, nhưng rõ ràng những số điện thoại trong danh sách “đính kèm” là số thật, việc công bố những số điện thoại thật lên mạng với nội dung như vậy có vi phạm pháp luật không, thưa ông? 

- Trong trường hợp cô gái viết bài này là không có thật mà do một ai đó cố tình giả mạo danh nghĩa để đưa lên mạng danh sách các số điện thoại (có thật). Những người có tên trong bản danh sách này được cho rằng là “khách hàng” đã từng “bỏ tiền ngủ với cô ta” thì hành vi của người “giả mạo” này, mặc dù biết rõ thông tin mình đưa ra là bịa đặt, không đúng sự thật và thông tin đó khi được loan truyền sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc, sự nghiệp chính trị của rất nhiều người. Vậy mà họ vẫn cố tình thực hiện thì hành vi đó là vi phạm pháp luật và đã có dấu hiệu của tội “Vu khống” được quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. 

- Nếu cô gái với bản danh sách số điện thoại “khách hàng” là người thật việc thật thì hành vi hành vi đó có được phép?

- Nếu cô gái viết bài này là thật và danh sách khách hàng kia cũng là thật thì vụ việc này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Tuy nhiên, các hậu quả xảy ra thì phụ thuộc vào cách hành xử của các bên liên quan, và chúng ta biết rằng mọi điều đều có thể xảy ra.

- Từ “vụ việc Trúc Mai”, ông có cảnh báo gì với những người tiếp cận thông tin?

- Chúng ta biết rằng thông tin trên mạng Internet, đặc biệt là xuất phát từ các trang mạng không chính thống rất khó kiểm soát và xác định thật giả. Do đó, khi tiếp nhận các thông tin trên mạng, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như nội dung bài viết này, người đọc cần thận trọng, suy xét. Nếu không có căn cứ chứng minh thì chưa thể tin ngay được. Trong trường hợp ai đó lợi dụng hình thức này để “tống tiền” người khác, ví dụ như gái mại dâm sử dụng cách này để tống tiền hoặc để bôi nhọ “khách hàng” thì pháp luật đã có những chế tài để xử lý.

- Theo ông, cơ quan chức năng có cần vào cuộc để làm rõ vụ việc này nhằm ngăn ngừa, phòng chống tội phạm hay nhưng vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai?

- Trong trường hợp cô gái trong bài này là có thật và các thông tin cô gái đưa ra là đúng sự thật thì không có căn cứ để xử lý cô gái. Và những người có tên trong danh sách cô gái đưa ra cần tự xử lý các mối quan hệ, hậu quả phát sinh từ thông tin này. Ngược lại, trong trường hợp đây là một hành động mạo danh, đưa thông tin không đúng sự thật, nhằm dụng ý xấu thì mọi người cần cảnh giác, các cơ quan chức năng cũng cần theo dõi sát sao diễn biến. Nếu tình trạng này tái diễn, có dấu hiệu gia tăng thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xác minh để sớm ngăn chặn. Bởi vì hành động này, nếu bị lợi dụng thì sẽ gây ra những hậu quả không nhỏ cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc gia đình, sự nghiệp chính trị của không ít người. 

- Cảm ơn ông!