Ai chẳng ngại thoái vốn

ANTĐ - Cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đang có những bước đi mang tính quyết định nhất. Trước thực trạng không ít doanh nghiệp vẫn chần chừ để chờ thời cơ tốt, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng thất thoát vốn Nhà nước nếu quá trình thoái vốn diễn ra quá dồn dập. Do đó, trì hoãn thoái vốn là không thể, song vẫn cần các quy định cụ thể hơn từ Chính phủ để doanh nghiệp thực hiện công khai và minh bạch.

Theo Nghị quyết 15 về đẩy mạnh cổ phẩn hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước có thể giao cho ngân hàng thương mại Việt Nam mua lại hoặc chuyển qua Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Nguồn vốn này cũng có thể giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước nhận lại theo giá trị trường. Như vậy, quá trình thoái vốn sẽ theo hướng doanh nghiệp “chia sẻ” với Nhà nước.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điều này dẫn đến hệ lụy sẽ gây thiệt thòi cho ngân sách, nói cách khác là “lấy từ túi này bỏ túi kia”. Thực tế thời gian qua mới chỉ thoái vốn được khoảng 4.000 tỷ đồng trong tổng số 22.000 tỷ đồng. Còn khoảng 17.000 tỷ đồng cần thoái vốn nhưng chắc chắn sẽ không thu lại được đủ. Một số doanh nghiệp vẫn trông chờ thị trường chứng khoán phục hồi, một số sợ trách nhiệm nên cố kéo dài để chớp thời cơ phù hợp nhất từ nay đến năm 2015. Thực ra, tình trạng đầu tư không hiệu quả đã xảy ra, việc thoái vốn thấp hơn số tiền đầu tư ban đầu dẫn đến các khoản thua lỗ và sẽ có lãnh đạo doanh nghiệp bị quy trách nhiệm.

Trước đây, một số doanh nghiệp lợi dụng đầu tư ngoài ngành làm sai không bị ngăn chặn, không ai cảnh báo. Đến khi suy thoái kinh tế, sai phạm bộc lộ rõ, giá trị cổ phần sụt giảm, tổn thất không ai chịu bù đắp. Cùng lúc đó, lợi ích nhóm ngày càng rõ giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia, giữa cổ đông  này với cổ đông kia. Cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất vẫn là Nhà nước và cổ đông “thấp cổ”.

Theo Giám đốc Chương trình Fulbright tại Việt Nam, định hướng hiện nay là vẫn phải thoái vốn nhưng tránh bán tống, bán tháo và phải có cơ quan giám sát, xem xét cụ thể. Với những hoạt động mua bán, thoái vốn, bản thân cơ quan Nhà nước cũng khó giám sát nổi. Do đó, để bán theo giá thị trường được hiệu quả, điều then chốt là phải công khai bán trên thị trường và minh bạch các giao dịch. Một điểm khó đã được tháo gỡ là doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá. Đây là những khoản đầu tư không hiệu quả nên việc mất vốn và thất thoát đã rõ. Vì vậy, việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá sẽ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Ai chẳng ngại thoái vốn, song đây là vấn đề hết sức cấp thiết, thà đắt rẻ bán đi còn hơn để lâu. Ngoài việc thu được tiền, doanh nghiệp còn có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh. Để hạn chế rủi ro, rất cần có những quy định cụ thể về tính công khai, minh bạch.