Ai Cập "vỡ mộng" với kênh Suez mới

ANTĐ - Dù Ai Cập đặt nhiều kỳ vọng vào kênh đào Suez mới với chi phí hơn 8 tỷ USD và hoàn thành trong thời gian kỷ lục, song khó khăn thời khủng hoảng đã khiến thực tế diễn ra không như dự tính ban đầu. 

Ai Cập "vỡ mộng" với kênh Suez mới ảnh 1Ai Cập kỳ vọng kênh đào Suez mới sẽ là hạt nhân kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội hai bên dòng kênh

Kênh đào Suez mới được Ai Cập khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2015 với tham vọng con kênh không chỉ giúp nước này gặt hái thêm ngoại tệ mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội. Bởi so với kênh Suez cũ đã tồn tại gần 150 năm, kênh Suez mới có những lợi thế hơn hẳn về nhiều mặt. 

Kênh đào Suez cũ kể từ khi giúp rút ngắn hàng chục nghìn km hành trình của các tàu biển đi từ Địa Trung Hải tới Biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi - Trung Đông vào năm 1869 tới nay đã trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập (khoảng 5,5 tỷ USD năm 2014). Tuy nhiên, với tuổi đời gần 150 năm, kênh đào Suez với chiều dài 163 km, nhất là chỉ lưu thông được một chiều, đã không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của tuyến đường biển huyết mạch hiện chiếm 7,5% khối lượng mậu dịch toàn cầu mỗi năm.

Chính vì thế, kênh đào Suez mới đã được Ai Cập khởi công với tổng số vốn 8,2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên, với tốc độ xây dựng kỷ lục, kênh Suez mới đã hoàn thành chỉ sau vẻn vẹn có 1 năm, có tổng chiều dài 72 km, ngắn hơn gần 1/2 so với kênh đào cũ, có chiều sâu 24 m đảm bảo cho tàu tới 250.000 tấn qua lại an toàn và quan trọng nhất là có thể lưu thông 2 chiều liên tục. 

Với lợi thế rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, tăng gấp 4 lần lưu lượng vận chuyển container, kênh Suez mới - với 37 km cải tạo, mở rộng từ kênh cũ và 35 km đào mới hoàn toàn - dự kiến giúp gia tăng mạnh nguồn thu ngoại tệ, từ khoảng hơn 5 tỷ USD/năm hiện nay lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023. Bên cạnh đó, Ai Cập trông đợi kênh Suez mới sẽ là hạt nhân để thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội hai bên con kênh nhân tạo. 

Xây kênh Suez mới, Ai Cập còn nhắm tới việc nâng cao vị thế quốc tế trong vai trò là trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn của thế giới, thông qua việc phát triển khu vực hành lang có tổng diện tích hơn 76.000 km2 nằm dọc tuyến đường vận tải biển chiến lược này. Chính quyền Ai Cập cũng đã công bố sáng kiến Hành lang kênh đào Suez (SCC) bao gồm nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có dự án “Thung lũng công nghệ”, một tuyến đường hầm mới nối bờ Tây kênh đào Suez với khu vực trung tâm của bán đảo Sinai - một cảng biển lớn ở phía Đông Port Said giáp biển Địa Trung Hải, một thành phố mới và một khu công nghiệp trải dài trên tổng diện tích hơn 40 km2 ở phía Tây vịnh Suez. SCC được kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra 1 triệu cơ hội việc làm cho người dân. 

Rõ ràng, Ai Cập đã đặt kỳ vọng rất lớn vào kênh Suez mới, song có điều là con kênh này được đưa vào sử dụng đúng lúc ngành vận tải biển trên thế giới giảm sút do khủng hoảng kinh tế, khiến doanh thu không những tăng mà còn giảm xuống 5,3 tỷ USD năm 2015, so với 5,45 tỷ USD năm 2014. Vì thế, nếu kinh tế và vận tải biển thế giới không sớm hồi phục thì kỳ vọng mà Ai Cập đặt vào kênh Suez mới sẽ bị ảnh hưởng không ít.