Afghanistan: Rúng động cáo buộc nữ quan chức cấp cao đổi tình lấy chức vụ

ANTD.VN - Những nữ lãnh đạo ở Afghanistan đang trở thành tâm điểm của truyền thông và bình luận trên mạng xã hội sau khi một cựu quan chức cáo buộc rằng, họ đã đánh đổi tình dục để có được chỗ đứng trong xã hội. Một số chuyên gia cho rằng, những tranh luận trái chiều có thể gây tổn hại đến cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ ở quốc gia này. 

Afghanistan: Rúng động cáo buộc nữ quan chức cấp cao đổi tình lấy chức vụ ảnh 1Phụ nữ Afghanistan vẫn tiếp tục đối mặt với sự phân biệt giới lan rộng

Cáo buộc gây tranh cãi

Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh Khurshid TV của Afghanistan ngày 23-5 vừa qua, ông Habibullah Ahmadzai, cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Ashraf Ghani hé lộ, một số nữ lãnh đạo đã chấp nhận đổi tình dục để có được sự thuận lợi trong công việc cũng như thăng tiến. “Họ làm việc cùng nhau và những mối tình đã xảy ra ngay tại công sở. Rất nhiều người biết điều này nhưng không lên tiếng”, ông Ahmadzai nói và cho biết thêm, trong số đó có một số nữ Nghị sĩ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tranh cãi vào năm ngoái. 

Ngay lập tức, phát ngôn của ông Ahmadzai được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội. Bản thân ông Ahmadzai đã thất bại trong cuộc tranh cử một trong 33 ghế Quốc hội vào tháng 10-2018. Điều này khiến một số người đặt câu hỏi về động cơ của ông Ahmadzai khi đưa ra những cáo buộc. Abdullah, một quan chức của Chính phủ nói rằng: “Điều gì đó đã xảy ra” và cần một cuộc điều tra về vấn đề này.  Văn phòng Tổng thống cho biết, các đơn vị chức năng đã mở một cuộc điều tra về những cáo buộc của ông Ahmadzai. “Một ủy ban để xem xét các cáo buộc đã được thành lập. Chúng tôi yêu cầu ông Ahmadzai cung cấp các tài liệu, bằng chứng chứng minh những cáo buộc”, Jamshid Rasuli, một quan chức của Afghnistan nói với phóng viên tờ DW (Đức). 

Trong một cuộc họp báo đầu tuần này, Haroon Chakhansuri, Phát ngôn viên của Tổng thống nói: “Những cáo buộc của ông Habib Ahmadzai là hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Vấn đề này sẽ được điều tra nghiêm túc và kết quả sẽ được chia sẻ với người dân Afghanistan. Phát ngôn của ông Ahmadzai đã xúc phạm đến những người phụ nữ có nhiều nỗ lực trong sự nghiệp. Không ai được phép làm tổn hại đến danh dự phụ nữ Afghanistan”.

“Tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc”

Đây không phải là lần đầu tiên các cáo buộc quấy rối tình dục làm rúng động Afghanistan. Năm ngoái, Keramuddin Keram, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Afghanistan và 5 quan chức khác đã bị FIFA đình chỉ công tác sau khi một số nữ cầu thủ lên tiếng cáo buộc rằng, các quan chức đã lạm dụng tình dục và thể xác họ.

Các nữ cầu thủ nói rằng, sau khi lến tiếng đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Gia đình các nữ cầu thủ yêu cầu họ ngừng chơi bóng đá. Một số nữ quan chức làm việc trong Chính phủ lo ngại, những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng tương tự đối với họ.

“Một số người đã chia sẻ hình ảnh của tôi trên phương tiện truyền thông xã hội và hỏi ý kiến  bạn bè rằng, tôi đã đánh đổi tình dục như thế nào để có được công việc hiện nay. Tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc”, Zarifa Ghafori, 1 trong 2 nữ Thị trưởng ở Afghanistan nói. Zarifa Ghafori nói thêm rằng, phụ nữ Afghanistan luôn phải đối mặt với khó khăn khi làm những công việc xã hội trong một xã hội do nam giới thống trị.

“Vẽ hình ảnh phụ nữ Afghanistan với cùng một bút vẽ, đưa ra những cáo buộc mơ hồ trên phương tiện truyền thông sẽ khiến mọi việc tồi tệ hơn đối với những phụ nữ làm việc cho Chính phủ”, Zarifa Ghafori nói. 

Hiện nay, phụ nữ Afghanistan được hưởng nhiều tự do hơn so với thời Taliban - thống trị từ năm 1996 đến 2001. Dưới thời Taliban phụ nữ bị cấm đi học và làm việc tại các văn phòng, nơi công cộng. Tuy nhiên, giờ đây, phụ nữ Afghanistan vẫn tiếp tục đối mặt với sự phân biệt giới tính lan rộng. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng yêu cầu Chính phủ không được thỏa hiệp về quyền của phụ nữ khi đàm phán, dàn xếp chính trị với Taliban.

“Thông điệp nào gửi đến Taliban? Bây giờ họ có thể biện minh cho lập trường chống phụ nữ bằng cách đặt câu hỏi nghi vấn về sự liêm chính của các nữ quan chức Chính phủ”, Mahboba Rasuli nói. 

“Mọi người bình luận sôi nổi về việc một số phụ nữ có thể đã trao đổi tình dục để có được chỗ đứng trong Chính phủ thay vì lên án thủ phạm. Trong trường hợp những cáo buộc này được chứng minh, các nhà điều tra nên chia sẻ cụ thể kết quả điều tra, không nên đặt các nữ lãnh đạo khác dưới áp lực xã hội”.

Mahboba Rasuli
(Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ tại Kabul, Afghanistan)