Aegis bắn trượt mục tiêu, Mỹ vẫn coi thử nghiệm là thành công

ANTĐ - Quân đội Mỹ vừa tiến hành một bài thử nghiệm phòng thủ tên lửa trên Thái Bình Dương có chi phí lên tới 230 triệu USD. Mặc dù một trong những tên lửa đánh chặn được phóng đã không thể tiêu diệt mục tiêu, Mỹ vẫn coi đây là một lần diễn tập thành công. 

Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) chi biết họ đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao một tên lửa Raytheon SM-3 Block IB lại không thể bắn trúng mục tiêu trong cuộc thử nghiệm diễn ra gần đây ở đảo Wake, Tây Thái Bình Dương.

Cuộc thử nghiệm vừa diễn ra có sự phối hợp của hệ thống Aegis và THAAD 

Cuộc thử nghiệm này được thực hiện với sự góp mặt của nhiều lớp tên lửa đánh chặn bao gồm Hệ thống Chống tên lửa đạn đạo Aegis trên tàu USS John Paul Jones và Hệ thống Tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hệ thống THAAD trên đảo Wake đã dò tìm và tiêu diệt một mục tiêu tầm ngắn đầu tiên, đươc phóng từ máy bay vận tải C-17. Đến lần phóng thử thứ 2, tên lửa SM-3 phóng từ tàu USS John Paul Jones đã bắn trượt mục tiêu và phải để cho hệ thống THAAD đánh chặn ở vòng phòng thủ cuối cùng. Tuy nhiên, trong lần thử nghiệm cuối cùng, hải quân Mỹ cũng đã thành công trong việc sử dụng tên lửa Standard Missile-2 Block IIIA tiêu diệt tên lửa giả BQM-74E.

Bất chấp việc có một tên lửa bắn trượt mục tiêu và chi phí của cuộc thử nghiệm lên tới 230 triệu USD, Mỹ vẫn coi đây là lần thử nghiệm thành công: “Đây là một bài thử nghiệm cực kì phức tạp và yêu cầu các lớp tên lửa đánh chặn phải phối hợp cùng nhau nhằm phát hiện, theo dõi, phân loại và tấn công những mối đe doạ từ trên không”.

Đây là bài thử nghiệm được phối hợp giữa MDA, Cơ quan tên lửa đạn đạo (BMDS), Văn phòng kiểm tra hoạt động, Bộ Chỉ huy các hệ thống tên lửa, Bộ Chỉ huy châu Âu và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Hiện nay, hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ bao gồm 3 tầng là THAAD, Aegis, Patriot PAC-3. Trong đó, Aegis chịu trách nhiệm tiêu diệt mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm gần.