ADN - “Sợi dây” đoàn tụ

ANTĐ - “Họ sinh ra không biết đến quê hương, nguồn cội, chỉ biết về người cha qua những câu chuyện chắp ghép của người mẹ và lớn lên với những ký ức đẹp về một thời mưa bom, bão đạn. Thế rồi, số phận run rủi họ tìm được về với mảnh đất mà cha ông đã sinh ra, để làm tròn chữ hiếu dù người cha còn sống hay đã hi sinh nơi chiến trường máu lửa… ADN không mang lại những câu chuyện cảm động tuyệt vời như thế”, Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền nói.

Người đàn ông này đến Trung tâm nhờ giám định hài cốt người thân

“Mong một lần được về nơi cha sinh ra!”

Hơn 30 năm qua, không ngày nào người thanh niên mang hai dòng máu Việt Nam – Campuchia không mong được về quê cha để làm tròn chữ hiếu…

Cha anh là người Việt, mẹ là người Campuchia và anh là kết quả của mối tình sâu nặng giữa anh bộ đội tình nguyện với cô gái bản xứ. Cha anh, liệt sĩ Quang Triển hi sinh khi chưa kịp thực hiện lời hứa đưa mẹ về làm dâu đất Việt và cũng chẳng hề biết sự xuất hiện của anh trên cõi đời này. Hơn 30 năm đó, cứ mỗi lần biết tin có người từ Việt Nam sang tìm hài cốt người thân là một lần mẹ con anh lại tìm đến với hi vọng gặp được những người thân của cha, để được thay cha làm tròn chữ hiếu… Đó cũng là lý do anh học tiếng Việt và am hiểu khá nhiều về Việt Nam.

Ngày đó rồi cũng đến! Đó là ngày mà bà Lan, cô ruột của anh lặn lội sang Campuchia tìm hài cốt anh trai theo nguyện vọng của người cha già. Nghe tin, mẹ con anh tìm đến, thế nhưng, khi mẹ con anh đặt chân đến nghĩa trang thì người phụ nữ đó đã quay về Việt Nam với một phần hài cốt được cho là của liệt sĩ Triển, cha anh.

Người mẹ không ngừng nuôi hi vọng nói với giọng chắc nịch rằng dù đó có phải cha anh hay không thì người phụ nữ ấy nhất định sẽ quay lại. Và bà tin rằng, đó chính là người thân của cha anh bởi, hồi đó, bộ đội Việt Nam sang đây có nhiều cái tên hay lắm và họ cũng trùng tên nhau nhiều lắm. Nhưng bà chưa thấy ai có tên là Triển ngoài người yêu của bà. Vì vậy, khi nghe tin có người nhà anh Triển sang đây, bà mừng lắm và tiếp tục nuôi hi vọng. 

Quả thực, chẳng lâu sau người phụ nữ ấy đã quay lại. Và lần này, mẹ anh đã gặp được người phụ nữ ấy. Nghe câu chuyện mẹ anh kể, nước mắt người phụ nữ cứ trào rơi liên tục, rồi người đó đòi gặp anh. Vừa bước vào sân, người phụ nữ sững lại khi nhìn thấy anh.  Bà bảo, nhìn cháu, bà có cảm giác như đang đứng trước người anh của mình. Họ đã dành trọn ngày hôm đó để chuyện trò và cảm thấy một sợi dây vô hình đang gắn kết. Tuy vậy, để khẳng định chắc chắn, bà Lan, tên người phụ nữ ấy muốn làm xét nghiệm ADN. Mẹ anh đã rất ủng hộ, bà cũng mong tìm được gốc gác cho đứa con trai duy nhất của mình. Bà rất hi vọng, người lính tên Triển mà bà đã yêu thương năm xưa, chính là người mà bà Lan đang tìm kiếm. 

Bà Lan trở về mang theo vài sợi tóc của anh và cả niềm hi vọng lớn của mẹ con anh. Thấy con gái hồ hởi sau một hành trình kiếm tìm hài cốt thất bại, ông Kha, ông nội anh, ngạc nhiên lắm. Rồi từ ngạc nhiên chuyển thành sung sướng, khi ông hay tin con trai ông đã để lại cho ông một đứa cháu nội bên nước bạn. Thế nhưng, tâm trạng sung sướng của ông không đọng lại được lâu, nó nhường chỗ cho sự hoài nghi. Ông không thể tưởng tượng được rằng hạnh phúc cuối đời của ông lại đến một cách dễ dàng đến thế. Làm sao ông dám nhận nó là đích tôn của ông khi con trai ông không còn sống để nói cho ông biết. Liệu người phụ nữ Campuchia kia có lừa dối bố con ông không? Bà Lan đã đọc được hết suy nghĩ của bố, bởi vì đó cũng là suy nghĩ của bà khi còn trên nước bạn. Chính vì vậy, bà đã lên ngay kế hoạch xét nghiệm ADN . Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, bà Lan đã có tờ kết quả trong tay. Kết quả khiến bà Lan sung sướng đến trào nước mắt. Còn ông Kha lúc nào cũng nâng niu tờ kết quả xét nghiệm ADN, tờ kết quả chứng minh, anh đích thực là cháu nội của ông. 

Giọt nước mắt ngày trở về

Hơn 30 năm, người thanh niên ấy mới được biết mặt bố. Gặp nhau, bố con mừng mừng tủi tủi, thế nhưng, họ hàng bên nội lại không nhận cháu, vì anh chẳng có nét gì giống bố... 

Anh sống với một người mẹ và được thương yêu chiều chuộng hết mực, nhưng bà cũng rất nghiêm khắc. Khi còn bé, anh vẫn luôn hỏi mẹ là “Bố con đâu? Sao mọi đứa trẻ khác có bố mà con lại không có bố?”, mẹ anh đều trả lời: “Bố con là một người lính, mẹ đã mất liên lạc với bố con từ khi con còn nhỏ. Cuộc chiến tranh tàn khốc ở Trường Sơn năm ấy không hiểu bố con sống chết ra sao. Mẹ vẫn giữ ảnh của bố con và những vật kỷ vật của bố trong tủ kia. Mai này, nếu may mắn gặp lại bố con thì hạnh phúc quá”.

Nhiều lúc, anh định lần theo tên tuổi để tìm bố, nhưng rồi lòng tự trọng của một thanh niên đã kìm chân anh lại. Anh thường nghĩ, bố là người không tốt, nên không chịu tìm về với mẹ con anh, vì vậy anh cũng chẳng cần gì đến ông nữa… Cho đến một ngày, mẹ anh lâm bệnh nặng, trước khi qua đời, mẹ đã kể toàn bộ sự thật cho anh nghe. 

Mẹ kể, ngày đó, mẹ làm cấp dưỡng cho một đơn vị thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn. Một hôm, đơn vị điều về bếp một cô gái trông khá dễ thương bởi cô ấy “không đủ sức khỏe để ra mặt trận”. Cô gái rất buồn, suốt ngày chỉ lầm lũi làm việc, không nói năng gì, thỉnh thoảng mẹ lại thấy những giọt nước mắt vội lăn trên má cô. Vài ngày sau mẹ mới vỡ lẽ là cô đã có thai. Đó cũng là lý do không thể để cô ra tuyến lửa và phải về phụ bếp – một dạng án kỷ luật dành cho cô gái. Cô gái kể cho mẹ nghe về mối tình với người lính – cha của đứa trẻ trong bụng, mẹ từ thương, chuyển thành ghét bỏ, rồi lại từ ghét bỏ lại thấy thương và rồi họ trở thành đôi bạn thân thiết.

Khi cô gái sinh nở, mẹ chăm sóc cô như chăm người em gái ruột thịt. Mẹ yêu quý đứa trẻ ngay từ lúc lọt lòng. Giữa chiến trường, chỉ có khói lửa và bom đạn, đứa trẻ như chồi non vươn lên, làm cho cuộc sống của những người lính có ý nghĩa hẳn lên… Đứa trẻ lớn lên, tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình yêu của mọi người dành cho nó luôn ngập tràn… Khi đứa trẻ vừa đầy năm, cô gái ấy đã viết đơn xin được trở lại mặt trận. Thế rồi, sau một trận bom dữ dội của quân thù, người mẹ trẻ đã hy sinh. Đứa trẻ bỗng chốc mồ côi… Đứa trẻ mồ côi ấy chính là anh. Mẹ đã nuôi dạy anh từ đó và coi anh như đứa con ruột thịt của mình.

Chiến tranh kết thúc, mẹ trở về quê với đứa con nhỏ trên tay. Phần vì tuổi mẹ cũng đã “toan về già”, nhan sắc của mẹ chẳng nổi trội, phần vì mẹ đã có một đứa con nên mẹ thật khó tìm cho mình một tấm chồng. Rào cản lớn nhất để người đàn ông đến với mẹ lại chính là đứa con mẹ mang từ chiến trường về. Mẹ giấu không cho ai biết đứa trẻ đó chỉ là con nuôi. Mẹ không muốn ai cướp đi đứa con của mẹ. Chính vì vậy, mẹ không muốn cho bố đẻ của anh biết là ông đã có một đứa con trai trên đời này. Chỉ đến khi cảm thấy bệnh tật không buông tha, mẹ mới nghĩ đến chuyện tìm cha cho anh.

Mẹ tìm đến tất cả những người bạn chiến đấu cũ, tích cực đi họp các cuộc gặp mặt cựu chiến binh và cuối cùng mẹ đã tìm được bố anh. Cho đến lúc đó, mẹ mới cho anh xem tấm ảnh bố hồi trẻ cùng với một cái lược được làm từ một mảnh vỏ của máy bay Mỹ mà bố đã tự chế để tặng cho mẹ đẻ của anh. Mẹ nói trong nước mắt: “Mẹ thật sự xin con tha lỗi vì đã quá ích kỷ. Nhưng mẹ không hối hận vì mẹ đã sống cho con. Mẹ biết, bố con hiện còn sống và đã có một gia đình êm ấm. Bố con không hề biết có con ở trên đời. Bố con vẫn về để thắp hương cho mẹ con. Con hãy tìm đến bố, phải nhớ là bố con không có lỗi gì hết. Hãy hứa với mẹ điều đó. Nếu có trách, thì hãy trách mẹ, người đã cản trở con về với bố”.

Sau khi mẹ mất, theo chỉ dẫn của mẹ, anh đã cầm những kỉ vật đó tìm gặp bố.

Nhìn thấy chiếc lược năm xưa, bố anh xúc động kể lại cho các thành viên trong gia đình về mối tình thời chiến của bố với mẹ đẻ anh. “Trong họ của bố cháu, có người thì vui vẻ đón nhận cháu, nhưng cũng có người không thoải mái. Nhiều người khuyên bố đi xét nghiệm ADN để mọi người hết băn khoăn liền bị bố quát”. Bố bảo: “Tôi không cần phải xét nghiệm gì hết. Đây là đứa con được sinh ra trong chiến trường máu lửa của tôi. Không ai có quyền làm tổn thương đến vong linh của mẹ nó. Tôi đã không nuôi được con tôi, bây giờ nó tìm về với tôi, sao các người còn không hiểu cho tâm trạng của tôi. Không có ADN gì hết”.

Nghe bố nói vậy, không ai dám có ý kiến gì. Nhưng anh và đứa em cùng cha khác mẹ quyết tâm tìm đến ADN để làm sáng tỏ cho mọi người thấy. Và kết quả… anh thực sự là con ruột của bố...

Hai câu chuyện cảm động được chúng tôi ghi lại tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền có nội dung khác nhau, nhưng đều có cái kết giống nhau… Sau mấy chục năm xa cách, những con người máu mủ ruột thịt mừng mừng tủi tủi vì được đoàn tụ với nhau... chan lẫn trong nụ cười và những giọt nước mắt!