ADB: Dự báo tăng trưởng GDP 2018 Việt Nam đạt 7,1%

ANTD.VN - Nhờ gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu mạnh, nông nghiệp phát triển, và nhu cầu trong nước cũng tăng mạnh, nên tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay dự kiến sẽ đạt 7,1% so với 6,8% năm ngoái, sau đó lại giảm xuống 6,8% vào năm 2019.

Đây là dự báo được Ngân hàng Phát triển  Châu Á (ADB) đưa ra trong Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam – Châu Á 2018 vừa được công bố sáng nay. Theo đó, ADB cho biết, động lực dẫn dắt tăng trưởng là gia tăng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư đặc biệt là FDI, và ngành nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn.

Tiêu dùng cá nhân tăng sẽ được củng cố trên nền tảng thu nhập tăng và lạm phát ổn định. Triển vọng đầu tư cá nhân cũng rất sáng sủa. Doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và lạc quan. Đầu tư tư nhân dự báo sẽ nhận ảnh hưởng tích cực từ việc xếp hạng của Việt Nam cải thiện 14 vị trí trong nghiên cứu Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018.

Số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục là 126.859 trong năm 2017, tăng 15,2% so với 2016. Chỉ tiêu của chính phủ là có thêm 135.000 doanh nghiệp được thành lập trong năm 2018.

Tính theo ngành, ngành công nghiệp sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động FDI vững chắc. Ngành xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2018 và 2019, nhờ mức cam kết và giải ngân FDI đều đạt kỷ lục trong năm 2017. Khu vực dịch vụ dự báo sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2018 và 2019, số lượt khách du lịch quốc tế dự báo tăng 15-20% trong năm 2018.  Nông nghiệp cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong hai năm tới, trong năm 2018 về cơ bản sẽ đạt chỉ tiêu chính phủ đề ra là 2,8-3,0%.

Xuất nhập khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tăng mạnh

Lạm phát được dự báo sẽ tăng, nhưng nhìn chung vẫn khá ổn định, trung bình 3,7% trong năm nay và tăng lên 4,0% trong năm 2019, vì nhu cầu nội địa mạnh và tín dụng ngân hàng cao phần nào được bù đắp bởi giá cả lương thực trong nước và chi phí vận tải ổn định, giá cả điều hành trong lĩnh vực giáo dục, y tế, điện nước tăng ít hơn.

Mỗi biến động tăng đáng kể trong giá dầu thế giới sẽ có tác động lớn đến lạm phát do sẽ làm chi phí vận tải và năng lượng tăng lên – những chi phí này trong vài năm qua đang kìm giữ ở mức thấp. Trong ba tháng đầu năm 2018, lạm phát toàn phần ở mức trung bình 2,8%.

Thặng dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống còn 2,5% GDP trong năm nay, và 2,0% trong năm 2019. Xuất khẩu hàng hoá dự báo sẽ tăng 15%-20% trong hai năm 2018 và 2019. Kiều hối có khả năng sẽ vẫn duy trì tốt nhờ triển vọng toàn cầu đã cải thiện và tỉ giá ổn định.

Tuy nhiên, xuất khẩu gia tăng phần nào sẽ bị trung hoà bởi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu còn cao hơn, do giá dầu thế giới tăng, tiêu dùng nội địa mạnh hơn và gia tăng nhập khẩu đầu vào trung gian để sản xuất hàng xuất khẩu. Các dòng vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp sẽ cải thiện cán cân tài khoản vốn và tiếp tục củng cố cán cân thanh toán quốc tế.

Về tín dụng, ADB cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2018 dự báo sẽ vẫn ở mức cao như năm 2017, trên nền cắt giảm lãi suất năm ngoái. Lãi suất cho vay có thể tăng nếu lạm phát tăng đến 4,0%.

Rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh bất ngờ, mặc dù Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ dỡ bỏ một số rào cản pháp lý hiện đang cản trở việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng một cách hiệu quả.

Đồng thời, mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại - như triển vọng Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm – sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan toả đáng kể đến thị trường nội địa.