ADB điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 1,8% trong năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 được Ngân hàng châu Á (ADB) điều chỉnh giảm xuống còn 1,8%, so với dự báo 4,1% hồi tháng 6, chủ yếu phản ánh tình trạng giảm tiêu dùng nội địa và nhu cầu bên ngoài.

Tiêu dùng nội địa giảm mạnh

Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của ADB cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1 năm 2020 xuống 0,4% trong quý 2, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.

Tăng trưởng chậm lại được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay.

Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,0% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

Hoạt động đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Tăng trưởng tổng mức đầu tư nội địa giảm từ 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,9% trong cùng kỳ năm nay do đầu tư nước ngoài thu hẹp.

Từ tháng 1 đến tháng 8, số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài là 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,1% trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 30,4%, ước đạt 11,0 tỷ USD.

Do nền kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát bình quân giữ ở mức 4,2% trong 6 tháng đầu năm và xuống 4,0% cho đến tháng 8...

Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các nước tương tự

Về triển vọng kinh tế trong năm 2020, ADB dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh giảm mạnh xuống 1,8% từ mức dự báo 4,8% trong Báo cáo ADO 2020 hồi đầu năm và mức 4,1% trong báo cáo bổ sung hồi tháng 6.

Theo ADB, tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, nhưng tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này.

Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cũng đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của ngân hàng trung ương, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài...

"Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm, và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay" - Báo cáo cập nhật ADO 2020 nhận định.