Ác mộng với "bẫy giết người" từ thiên nhiên

ANTĐ -Hơn 1 tuần sau trận động đất 7,9 độ richter lớn nhất trong vòng 80 năm qua tại Nepal, không chỉ người dân Nepal mà cả thế giới đều chưa hết sốc bởi sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên.
Ác mộng với "bẫy giết người" từ thiên nhiên ảnh 1

Hôm qua, một quan chức thuộc Trung tâm cứu trợ khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC) cho biết, số người chết trong trận động đất đã tăng lên 7.040 người, số người bị thương đã vượt qua con số 14 nghìn. Còn theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), có tới 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Trong số đó, hơn 1,4 triệu người đang cần lương thực, thực phẩm, nước uống và chỗ ở.

Một lần nữa thế giới lại phải chứng kiến thảm cảnh như đã từng xảy ra sau cơn địa chấn năm 1934 từng san phẳng cả thủ đô Kathmandu của Nepal. Chính phủ Nepal cho biết, cho đến nay, việc giải quyết hàng trăm xác người được tìm thấy mỗi ngày cũng là một vấn đề lớn, khi các nhà xác đã hoạt động hết công suất. Người ta đã phải hỏa táng xác người ngay sau khi tìm thấy trước sự đau khổ của người thân.

Không chỉ người Nepal, hàng nghìn người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam hiện có mặt ở Nepal, cũng phải hứng chịu ảnh hưởng của trận động đất. Rất may, theo những thông tin mới nhất, đa số người Việt bị kẹt tại Nepal sau trận động đất đã an toàn ở Kathmandu. Cụ thể, ít nhất 35 người đang có mặt tại Kathmandu đã đến khách sạn Hyatt để chờ về Việt Nam bằng máy bay miễn phí do Công ty bảo hiểm AIG thuê.

Quay trở lại với trận động đất hôm 25-4, không khó khăn gì để giải thích nguyên nhân của thảm họa này. Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này trôi dạt về phía đất liền và va chạm với lục địa Á Âu. Dưới dãy núi Himalaya, mảng lục địa Ấn Độ đang “lấn sân” mảng lục địa Á - Âu với tốc độ 1 mm mỗi tuần. Sự va đập nói trên đã tạo ra một lực khủng khiếp, góp phần hình thành dãy Himalaya hùng vĩ và cả những trận động đất cực mạnh. 

Nằm ở nơi xảy ra sự va đập giữa hai mảng lục địa này, thảm họa động đất là điều được báo trước với Nepal. Nhìn lại quá khứ, chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, các trận động đất đã giết chết hàng chục nghìn người ở Nepal. Một tuần trước khi trận động đất hôm 25-4 xảy ra, 50 nhà khoa học động đất từ khắp thế giới đã đến thủ đô Kathmandu để thảo luận biện pháp giúp Nepal có sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó với một trận động đất lớn. Tất cả đều thống nhất rằng, khu vực này chắc chắn sẽ phải đối mặt với động đất lớn. Tuy nhiên, Nepal chưa kịp làm gì thì thảm họa đã xảy ra. 

Ai cũng biết động đất là vấn đề của tự nhiên, nhưng hậu quả của chúng lại có yếu tố do con người tạo ra. Bị bao bọc bởi các dãy núi cao, Kathmandu nằm trên một hồ nước cạn, với nền đất yếu. Khi động đất xảy ra, nền đất ở đây dao động như bột nhão, chẳng khác nào “cái bẫy” động đất. Trong khi đó ở Kathmandu cũng như các thành phố khác ở Nepal, hàng triệu người sống chen chúc trong những tòa nhà không đủ khả năng chống lại động đất. Chính vì thế khi thảm họa xảy ra, số người thiệt mạng là rất lớn. 

Chuyên gia địa chất Jackson nhấn mạnh: “Không phải động đất mà các tòa nhà sụp đổ mới là hung thủ giết người. Nếu bạn sống ở một sa mạc phẳng thì động đất không thể giết bạn”. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cho rằng, người dân Nepal phải biết cách “sống chung với nguy cơ động đất”. Các biện pháp phòng ngừa là quan trọng và có lẽ, điều quan trọng là các công trình xây dựng phải trụ vững trước những đợt rung lắc mạnh của động đất, không biến chúng thành “những chiếc bẫy giết người”.