Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được người Pháp xây dựng từ năm 1926
- PV: Hiện tại, chúng ta đang thiếu một công trình văn hóa tầm cỡ, nhưng chỉ tính riêng phần xây dựng, dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều người đắn đo và cho rằng: “phải xem lại”?
- TS. Nguyễn Văn Cường: Việc đầu tư xây dựng một bảo tàng có quy mô, chức năng, công năng hiệu quả, nhiều nước khó khăn hơn mình, người ta đã làm rồi. Đầu tư cho văn hóa, cần phải tiến hành song song với những lựa chọn đầu tư phát triển đất nước khác, đâu chỉ có giao thông, giáo dục, y tế là đủ. Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng bảo tàng từ 5 năm trước đây. Cho tới thời điểm này, cá nhân tôi thấy rằng việc vận hành đầu tư đang thực hiện một cách cẩn trọng. Bộ Xây dựng đề xuất hơn 11 nghìn tỷ đồng cho xây lắp, tất nhiên số kinh phí như vậy còn phải thẩm tra, có thể còn điều chỉnh, chứ không phải số tiền đó là bất di bất dịch. Cũng không thể nói rằng thời điểm kinh tế khó khăn, xây to, tốn nhiều tiền thì phải làm bé đi… Chả nhẽ, nay xây, vài chục năm sau lạc hậu, lại đập đi để xây lại à? Như thế còn dở hơn. Bảo tàng mà chúng ta đang ngồi đây này (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũ - PV) người Pháp đã xây dựng gần 100 năm rồi. Nhà hát Lớn cũng thế, bây giờ vẫn hiện đại và sử dụng tốt đấy thôi. Mấy chục năm trước, khi khởi công con đường Thăng Long - Nội Bài, ai cũng chê rộng, chê to. Nhưng bây giờ, con đường đó đã chật hẹp rồi đấy thôi. Tại sao lại không đầu tư cho một công trình có giá trị chiến lược và lâu dài?
- Thưa ông, có rất nhiều ý kiến cho rằng, đã có một Bảo tàng Hà Nội với số tiền đầu tư cả nghìn tỷ đồng, thì hà cớ gì phải xây thêm một bảo tàng nữa, đấy là còn chưa kể, ế khách là câu chuyện dài của các bảo tàng?
- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bảo tàng Hà Nội mới chỉ hoàn thiện ở giai đoạn 1, tức là xong phần “vỏ” thì đã tuyên bố khánh thành. Người ta có thể chờ đợi, nhưng chờ đợi cho tới khi có sản phẩm hoàn hảo và được tiếp cận, thì nhận thức hưởng thụ khác với người ta mong được đến sớm, nhưng lại là một công trình chưa hoàn hảo. Lúc đó, thay vì háo hức sẽ là thất vọng, hoặc là xét đoán phiến diện. Bảo tàng Hà Nội cần có thêm thời gian mới hoàn thành được. Thời gian xây dựng Bảo tàng Hà Nội là 2 năm. 2 năm thì chỉ có thể xây xong cái nhà chứ chưa thể hoàn thiện phần “ruột”. Còn Bảo tàng Quốc gia thì khác. Chúng tôi đã có 5 năm chuẩn bị, ít nhất có 4-5 năm nữa để hoàn thiện tất cả. Chúng tôi xác định, cánh cửa bảo tàng chỉ mở đón khách khi hoàn thiện cả phần “vỏ” lẫn phần “ruột”.
- Liệu số lượng hiện vật của 2 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng có đủ để trưng bày cho 28 nghìn m2 diện tích bảo tàng mới?
- Dù có sáp nhập hay không, hay Bảo tàng Quốc gia có xây mới hay không, đối với bất cứ bảo tàng nào, nhu cầu bổ sung hiện vật hàng năm chính là nguồn sống. Cho nên, có thể nói, ngoài những gì chúng tôi đang có, nhất thiết phải bổ sung và chỉ có bổ sung mới đảm bảo toàn diện như mục tiêu dự án đặt ra.
- Ông có tự tin khẳng định, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sau khi xây dựng sẽ có sức hấp dẫn với du khách?
- Với câu hỏi này, tôi nghĩ phải đặt lại khái niệm thế nào là hấp dẫn. Nhiều người bảo rằng, các hoạt động bảo tàng tẻ nhạt, nhiều người lại kêu dân trí chúng ta còn thấp, nhu cầu thăm bảo tàng của người dân chưa cao. Cả hai lý do đều phải xem lại giữa chủ quan và khách quan, đối với bảo tàng làm được gì và chưa làm được gì. Chúng ta đã làm đến nơi đến chốn hay chưa và chúng ta muốn làm đến nơi đến chốn nhưng lại không có điều kiện thực hiện. Tất nhiên, hàng năm, các bảo tàng, cũng vẫn ngồi với nhau tổng kết đánh giá, xác định, trong khả năng có thể, tìm mọi cách để vượt lên những điều kiện khó khăn, đổi mới chính mình và để làm sao tăng cường hiệu quả hoạt động đến với đông đảo công chúng hơn. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng có phần việc như vậy.
- Cảm ơn ông!
Mô hình bảo tàng sẽ xây dựng tại phía Tây Hồ Tây
Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Có cấp thiết lắm không?”
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước đây trực thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ được người Pháp xây dựng để trưng bày hiện vật khảo cổ học của ba nước Đông Dương. Sau này, được chúng ta sử dụng để làm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, những hiện vật cũ là hiện vật của ba nước Đông Dương vẫn được lưu lại tại đây. Bởi vậy, tôi thấy việc xây dựng một bảo tàng lịch sử quốc gia khác để xứng tầm lịch sử quốc gia và trả lại không gian trưng bày các hiện vật Đông Nam Á cũng là điều nên làm. Nhưng khi chúng ta mới chỉ khai trương Bảo tàng Hà Nội một thời gian chưa lâu, việc xây thêm một bảo tàng mới với tổng kinh phí lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng có phải là chuyện cấp thiết lắm không? Chúng ta chưa thiếu và không thiếu bảo tàng, chưa kể những bảo tàng tư nhân đang xuất hiện ngày một nhiều. Vậy nên chăng hãy lùi thời gian thực hiện dự án đến một thời điểm thích hợp khác để tập trung cho các dự án thiết thực hơn?