90% người lao động không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên 5.000 người lao động ngay trong năm 2017 cho thấy, hơn 90% công nhân, lao động không muốn kéo dài tuổi làm việc.

Hầu hết người lao động không muốn kéo dài tuổi làm việc 

“Có tới hơn 90% công nhân tham gia khảo sát mong muốn quy định giữ ở mức như hiện tại, có nghĩa là 55 tuổi đối với  nữ giới và 60 tuổi đối với nam giới, không kéo dài tuổi làm việc. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để đảm bảo an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể có những kỹ thuật điều chỉnh chứ không nhất thiết kéo dài tuổi làm việc”, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm. 

Làm thêm 5 năm mới hưởng lương tối đa 

Theo Luật BHXH năm 2006, người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2 điểm phần trăm và nữ cộng thêm 3 điểm phần trăm, mức hưởng tối đa là 75%.

Tuy nhiên, trong Luật BHXH 2014, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Theo đó, đối với lao động nam, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương 45% mức lương bình quân đóng BHXH; nghỉ hưu năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.

Đối với lao động nữ, Luật BHXH điều chỉnh giảm bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng BHXH vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính cộng thêm 2 điểm phần trăm thay vì 3 điểm phần trăm như hiện nay.

Một số tính toán chỉ ra rằng, lương hưu của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 có 20 năm đóng BHXH, thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 10%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn người lao động nữ nghỉ hưu năm 2017 là 5%. Mặt khác, sau 5 năm điều chỉnh, người lao động phải có 35 năm lao động đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% mức lương bình quân đóng BHXH. 

Như vậy, để hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75%, cả nam và nữ sẽ phải kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm so với hiện hành. Còn theo đề xuất sửa Luật Lao động năm 2012, tuổi nghỉ hưu được đề xuất tăng với nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi. Hiện tuổi nghỉ hưu với nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Đảm bảo an toàn Quỹ BHXH

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay thì bài toán cân đối quỹ phải được đem ra bàn bạc. Quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của người tham gia và người sử dụng lao động, vấn đề đặt ra là đóng góp và chi trả như vậy thì tính bền vững của quỹ đến đâu? 

Theo đại diện BHXH Việt Nam, với tỷ lệ hưởng lương hưu thuộc hàng cao nhất thế giới, các chuyên gia quốc tế nhiều lần khuyến cáo Việt Nam cần phải thay đổi cách tính lương hưu để quỹ bền vững hơn, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà còn cho các thế hệ tiếp theo. Việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1-1-2018 là một bước để hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính để quỹ bảo hiểm xã hội được đảm bảo bền vững và an toàn hơn. 

Trong khi đó, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng, từ thực tế trao đổi với người lao động trong các ngành nghề sử dụng lao động chân tay cho thấy, họ không đồng tình với việc kéo dài độ tuổi làm việc. Nhiều người lao động cho rằng, đây là bài toán mà BHXH Việt Nam phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, không thể bắt người lao động phải làm thêm để đảm bảo an toàn cho quỹ.

“Có tới hơn 90% công nhân tham gia khảo sát mong muốn quy định giữ ở mức như hiện tại, có nghĩa là 55 tuổi đối với nữ giới và 60 tuổi đối với nam giới, không kéo dài tuổi làm việc”.

Ông Vũ Quang Thọ (Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)