90 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn: Vẫn còn những điều cần sáng tỏ

ANTĐ - Năm 1924, di tích khảo cổ học Đông Sơn chính thức được phát hiện và khai quật. 10 năm sau, 1934, nhà nhân học người Áo R.Von Heine-Geldernm đề xuất tên gọi Văn hóa Đông Sơn để chỉ một nền văn hóa thuộc giai đoạn phát triển của thời đại Đồng thau ở khu vực Đông Nam Á. Cho đến ngày nay, sau tròn 90 năm nghiên cứu, những góc khuất dần được sáng tỏ, tuy nhiên Văn hóa Đông Sơn vẫn luôn là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

90 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn: Vẫn còn những điều cần sáng tỏ ảnh 1Bộ sưu tập trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia

Hé lộ đời sống cư dân Việt cổ

Năm 1958, Viện Bảo tàng Lịch sử được thành lập trên cơ sở kế thừa những hiện vật mà người Pháp đã lưu giữ tại Bảo tàng Louis Finot. Đó cũng là thời điểm mà các đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hóa tiến hành hàng loạt các điều tra, khai quật lại di tích Đông Sơn, Thiệu Dương (Thanh Hóa). Kết quả thu được khiến người trong cuộc ngỡ ngàng. Hàng loạt mộ cổ Đông Sơn được tìm thấy, nhiều hiện vật độc đáo có giá trị đã phát lộ như thạp Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, Châu Can, kho mũi tên Cầu Vực - Cổ Loa. Tất cả những di chỉ hiện hữu khẳng định một cách đầy thuyết phục về nguồn gốc bản địa của Văn hóa Đông Sơn, phủ nhận cách nhìn nhận cũ, coi mảnh đất này như ống phễu, hứng các nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ tràn sang. 

Thời gian gần đây, với việc mở rộng diện tích khai quật, các phát hiện quan trọng tại di chỉ Mả Tre, Đình Tràng (Đông Anh - Hà Nội), Bãi Cọi (Hà Tĩnh), các di tích Tiền Đông Sơn như Xóm Rền ( Phú Thọ), Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc)… đã góp phần làm sáng tỏ hơn nữa sự đa dạng, thống nhất cũng như mối quan hệ, giao lưu và vị thế của văn hóa Đông Sơn với các văn hóa đồng đại khu vực cận kề.

90 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn: Vẫn còn những điều cần sáng tỏ ảnh 2Hình ảnh trai gái giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh

Đồ Đông Sơn hút giới săn cổ vật

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn rất cần khảo sát tổng thể hệ thống di tích, di vật văn hóa Đông Sơn; làm sao để xác lập rõ hơn các mối quan hệ, sự giao lưu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đến miền Trung – Tây Nguyên và khu vực phía Nam; mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực đặc biệt là Lào, Campuchia, Malaysia… gần đây có những phát hiện lý thú về văn hóa Đông Sơn. 

Tiến sĩ Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ về sự lan tỏa này, tại sao có một lượng lớn trống đồng đã từng được phát hiện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí còn nhiều hơn cả vùng địa bàn gốc của trống đồng Đông Sơn (cánh đồng trống ở Kroomg Năng, Kroong Pách- Đắk Lắk). Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng yêu cầu làm rõ hơn nữa về những đóng góp của Văn hóa Đông Sơn đối với đời sống kinh tế, vật chất, văn hóa tinh thần, phân hóa xã hội, Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc với văn minh Đại Việt - văn hóa Việt Nam. Tiến sĩ Khảo cổ học Bùi Văn Liêm cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo tình trạng các di tích Thời đại Kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề trong đó có văn hóa Đông Sơn và di tích Đông Sơn. Hiện nay, trên thị trường đồ cổ, các hiện vật Đông Sơn vẫn luôn có giá và  được săn lùng ráo riết.

Những di vật của văn hóa Đông Sơn từ trong bóng tối của lòng đất được phát hiện, nghiên cứu, trưng bày khoa học đã trở thành những tư liệu sống động, hào hùng về chủ nhân văn hóa Đông Sơn từ hơn 2.000 năm trước. Văn minh Đông Sơn không chỉ được biết đến qua các công trình nghiên cứu mà đã hiển hiện với những chứng cứ văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần có thể ngắm nhìn tận mắt, trở thành một thành tố quan trọng cho việc lập nên Quốc gia, dân tộc và còn là niềm tự hào của người Việt Nam về tổ tiên của mình, thuở bình minh lịch sử.