9 sự kiện khiến EU rung chuyển

ANTD.VN - Sau sự kiện Brexit, làn sóng khủng bố ở châu Âu, cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng, cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc đại thanh trừng của Tổng thống Tayyip Erdogan…, nhưng chưa hết, theo trang Express.co.uk, 9 sự kiện xảy ra trong vòng 4 tháng tới sẽ khiến châu Âu tiếp tục rung chuyển.

1. Các cuộc bầu cử ở Mecklenburg-Vorpommern và Berlin, ngày 4 đến 8-9

Đức đang đối mặt với 2 cuộc bầu cử ở địa phương trọng điểm trong thời điểm nước này đang quay cuồng sau một tuần kinh hoàng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, mà trong số những nghi phạm này theo xác nhận ban đầu có cả người tị nạn mới đến. Cử tri sẽ đi bỏ phiếu ở Mecklenburg-Vorpommern, bang nằm phía Đông Bắc của Đức và tại Thủ đô Berlin trong bối cảnh người Đức đang ngày càng không hài lòng với chính sách của Thủ tướng A.Merkel về vấn đề người nhập cư. Theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây, Đảng Sự thay thế cho nước Đức - AfD phản đối chính sách nhập cư của Thủ tướng A.Merkel, có khá nhiều cơ hội giành chiến thắng ngay tại Mecklenburg-Vorpommern, quê hương của bà Merkel. AfD cũng có không ít cơ hội tại Thủ đô Berlin.

2. Bầu cử Quốc hội ở Croatia, ngày 11-9

Croatia sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11-2015, Chính phủ liên minh đã không giải quyết được các mâu thuẫn nội tại giữa các đảng phái, dẫn đến sụp đổ vào tháng 6 vừa qua. Theo một báo cáo mới đây của Global Research, các lực lượng theo trường phái dân chủ xã hội có nhiều cơ hội sẽ giành chiến thắng, nhưng người dân Croatia đang lo ngại một liên minh châu Âu bất ổn. 

3. Các cuộc bầu cử ở xứ Basque, Tây Ban Nha, ngày 25-9

Các lực lượng theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ở xứ Basque, muốn tách khỏi Tây Ban Nha, được dự kiến thêm một lần nữa làm náo loạn trong cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 9 tới ngay trên khu vực của họ. Và rất có thể lực lượng đòi ly khai này sẽ yêu cầu Chính phủ Madrid cung cấp thêm tiền và đảm bảo quy chế tự trị sâu rộng hơn. Điều này đang làm gia tăng áp lực lên mô hình Hiến pháp của đất nước vốn đang phải đối phó với tâm lý đòi ly khai gia tăng ở Catalonia. Sự phát triển của phong trào ly khai trên khắp châu Âu cũng đang khiến EU đau đầu.

4. Trưng cầu dân ý ở Italia, tháng 10

Có lẽ cuộc khủng hoảng trước mắt lớn nhất đối với EU là một cuộc trưng cầu sắp tới tại Italia - kết quả sẽ quyết định số phận của Thủ tướng Matteo Renzi. Thủ tướng Renzi cam kết rằng nếu như thất bại trong trưng cầu dân ý sắp tới, ông sẽ từ chức. Việc này dẫn đến các cuộc bầu cử mới diễn ra vào thời điểm đảng chống Euro của Italia là Five Star Movement (“Phong trào 5 ngôi sao” - lực lượng muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên của Italia trong EU) đang ngày càng chiếm ưu thế. Nguy cơ về hiệu ứng domino trên khắp EU và Eurozone đang phủ bóng lớn hơn trước.

5. Bầu cử Tổng thống Áo, ngày 2-10

Trong vòng bầu cử Tổng thống thứ hai ngày 22-5, cử tri Áo đã lựa chọn 2 ứng viên giành tỷ lệ phiếu bầu cao nhất ở vòng đầu là ông Norbert Hofer thuộc Đảng Tự do Áo và ông Alexander van der Bellen của Đảng Xanh. 

Đảng Tự do Áo có quan điểm cực hữu, dân tộc chủ nghĩa, chống EU, thù địch người nước ngoài và không sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn. Ông Norbert Hofer thậm chí từng tuyên bố sẵn sàng giải tán Quốc hội nếu Quốc hội không có cùng quan điểm với Tổng thống. Ông Alexander van der Bellen chủ trương ngược lại và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ Chính phủ liên hiệp nào có sự tham gia của Đảng Tự do Áo. Quan điểm của hai ứng viên khác nhau và khác với Chính phủ liên hiệp đang cầm quyền. Đó mới chính là điều tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội trong thời gian tới ở Áo. Nếu ông Hofer thắng cử thì lần đầu tiên ở các nước Tây Âu có đại diện một đảng cực hữu dân tộc chủ nghĩa trở thành người đứng đầu Nhà nước. Khi ấy, Áo trở thành trường hợp cá biệt mới rất bất lợi cho EU về mọi phương diện.

6. Trưng cầu dân ý ở Hungary, ngày 2-10

Với đường lối cứng rắn phản đối kế hoạch của Brussels trong việc phân bổ người tị nạn đến từ châu Á và châu Phi vào các nước châu Âu, trong đó có Hungary, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đề nghị cử tri Hungary cho ý kiến về vấn đề: Liệu EU có quyền buộc Hungary phải chấp nhận chỉ tiêu phân bổ người nhập cư mà không cần phải có sự nhất trí của Quốc hội hay không? Đối với cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát của ông Orban. Theo kết quả khảo sát dư luận gần đây, đa số cử tri lựa chọn “ly hôn” với EU, lo ngại xảy ra thêm một trận chiến pháp lý kéo dài giữa Brussels và các nước thành viên EU.

7. Các cuộc bầu cử khu vực ở Cộng hòa Czech, tháng 10

Cộng hòa Czech đang đối mặt với các cuộc bầu cử trong thời điểm vị trí của đương kim Thủ tướng Boguslav Sobotky ngày càng bấp bênh. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội, đảng của Sobotky đang lép vế trước Đảng của Bộ trưởng Tài chính Andrey Babish. ANO phản đối việc củng cố liên kết trong EU và quy chế thành viên của Czech trong EU.

8. Bầu cử Quốc hội Litva, ngày 9-10

Sau cuộc bầu cử vào Quốc hội Litva, Đảng cánh hữu “Liên minh nông dân và Litva xanh” có thể sẽ gia nhập vào liên minh cầm quyền ở Litva, khiến cuộc cạnh tranh giữa đảng này với liên minh đối lập “Liên minh Tổ quốc - Dân chủ Thiên chúa giáo Litva” trở nên khốc liệt hơn.

9. Bầu cử Quốc hội ở Romania, tháng 11 hoặc đầu tháng 12

Cử tri Romania có thể sẽ bỏ phiếu giải tán Chính phủ mang tính chất kỹ thuật hiện nay, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Romania Dacian Ciolos (nguyên cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu). Tuy nhiên, những vấn đề của Romania chỉ mang tính chất nội bộ mà không liên quan gì đến EU, cũng như NATO vì tất cả các lực lượng tham gia bầu cử sắp tới đều theo trường phái ủng hộ hai tổ chức này.