9 lời khuyên cho nước Mỹ

ANTĐ - Tổng thống Mỹ B. Obama vừa lên tiếng thừa nhận nhiều người Mỹ không hài lòng trước thực trạng của nền kinh tế. Xem ra, nước Mỹ vẫn bế tắc trong nỗ lực thoát khỏi nguy cơ suy thoái kép.

Thị trường chứng khoán New York đang có nhiều biến động mạnh

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News xoay quanh chuyến vi hành với chủ đề kinh tế tại 3 bang miền Trung Tây nước Mỹ hồi tuần trước, ông    B. Obama thừa nhận nước Mỹ đang trong tình trạng ảm đạm với tỉ lệ thất nghiệp quá cao, kinh tế tăng trưởng chưa đủ mạnh. Dù bác bỏ nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái kép nhưng ông B. Obama cũng để ngỏ khả năng những yếu tố bên ngoài như quả bom nợ công ở châu Âu, sóng thần ở Nhật Bản và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông-Bắc Phi sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố hôm 1-8 cho biết, tốc độ tăng trưởng sản xuất của Mỹ trong tháng 7 ở mức thấp nhất trong 2 năm. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29-7 cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 1,3%/năm trong quý 2, trong khi tăng trưởng của quý 1 sau khi được điều chỉnh lại chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó.

Trong khi cơ quan đánh giá tín dụng Standard &Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống còn AA+, còn Ngân hàng    Goldman Sachs cảnh báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III chỉ là 1% và trong quí IV vào khoảng 1,5%, thì các máy in tiền của Mỹ đang hoạt động hết công suất cho ra lượng tiền kỷ lục mà không có đảm bảo nhằm cứu nước này khỏi khủng hoảng.

Trước thực trạng này, nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế Mỹ M. Larson đã phải lên tiếng cảnh báo Washington đã “tuyên bố chiến tranh” về đồng USD. Lý do là sau mỗi lần in thêm tiền, mỗi đồng USD lại mất đi một phần giá trị và sức mua của đồng USD càng suy giảm buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục cho Mỹ vay nợ không chỉ qua mua trái phiếu kho bạc của Mỹ mà cả bằng những đồng USD mà chính họ cũng phải đi vay.

Vấn đề bây giờ là làm thế nào chặn con tàu kinh tế Mỹ khỏi lao dốc. Về phần mình, trước khi lên đường đi nghỉ tại đảo Vineyard, ông B. Obama hứa sẽ công bố chương trình tạo nhiều việc làm và giảm thâm hụt ngân sách trong tháng Chín tới khi Quốc hội làm việc trở lại. Ông kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa thông qua việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế đối với các khoản lương trả cho người lao động, thành lập quỹ cơ sở hạ tầng để đưa công nhân trở lại làm việc và hỗ trợ việc làm cho các cựu binh trở về từ Iraq và Afghanistan.

Các nhà kinh tế thì đi xa hơn khi đưa ra lời khuyên với ông B. Obama bao gồm 9 giải pháp được chắt lọc từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Các giải pháp này có thể trình bày ngắn gọn như sau: Hạn chế tối đa việc cho vay thế chấp, hỗ trợ người nghèo, mở cửa nền kinh tế, điều chỉnh hệ thống thuế, tăng cường các ngành năng lượng sạch và bảo vệ môi trường, tăng thuế thu nhập dần theo độ tuổi, khuyến khích tiêu dùng trong nước, đảm bảo việc làm cho người lao động và cuối cùng là học kinh nghiệm của  Israel biến những đồng tiền chi cho quốc phòng thành các sản phẩm thương mại có thể làm lợi cho nền kinh tế.