84% dân Nga ủng hộ, Moscow sẽ đứng vững trong "tâm bão" cấm vận?

ANTĐ - Một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, dù có người lo ngại sự tăng giá hàng hóa nhưng hơn 80% người Nga ủng hộ lệnh cấm vận thực phẩm EU của Nga.

Việc Nga cấm vận nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước đã áp đặt biện pháp trừng phạt Liên bang Nga đã nhận được sự ủng hộ của 84% người Nga - theo Trung tâm Nghiên cứu dư luận VTsIOM.

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, 84% số người được hỏi tin rằng lệnh cấm vận sẽ đem lại lợi ích cho đất nước, vì nó khuyến khích phát triển nông nghiệp và gia tăng thị phần sản phẩm nội địa trên thị trường.

Vấn đề thứ 2 là mối quan tâm lớn nhất đối với người Nga là xu hướng tăng giá lương thực. 63% số người được hỏi đã dự đoán điều này sẽ xảy ra, trong khi 31% tin rằng khó có thể.

Số liệu thăm dò dư luận của Trung tâm Levada mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn ở mức rất cao, thậm chí đã tăng lên trên 80%. Người Nga tỏ ra hài lòng với hàng loạt các quyết định của Tổng thống trong vài tháng gần đây, mặc dù nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn khó khăn.

Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cũng đã ghi nhận sự tăng giá các mặt hàng lương thực bị đưa vào danh mục biện pháp trừng phạt trả đũa của chính phủ Nga, giá tăng đáng kể nhất là thịt gà và thịt lợn, cũng như táo. Tuy nhiên, sự tăng giá này vẫn trong giới hạn chịu đựng được, sau khi hàng hóa Nam Mỹ và châu Á tới Nga, tình hình sẽ có sự cải thiện.

84% dân Nga ủng hộ, Moscow sẽ đứng vững trong "tâm bão" cấm vận? ảnh 1

Lệnh cấm vận nông sản đáp trả EU của Nga được đưa ra vào ngày 6-8


Người tiêu dùng Nga hiện đang đối mặt với sự khan hiếm các loại thực phẩm chất lượng cao mà nước Nga vốn rất thiếu như thịt bò Australia, cá hồi Na Uy, jambon Tây Ban Nha, phomai Italia... sau khi Nga ra lệnh cấm nhập khẩu các loạt nông sản từ sữa của Mỹ, EU, Na Uy, Canada và Australia trong một năm.

Tuy nhiên trên thực tế, sự thiếu vắng các loại thực phẩm nói trên chưa ảnh hưởng nhiều tới phần đông người dân Nga do các mặt hàng nói trên được cho là khá cao cấp, chỉ phục vụ nhu cầu của một số đối tượng, trong khi các mặt hàng phổ thông hơn như khoai tây và cà rốt vẫn dễ tìm mua ở nước này.

Đại bộ phận các nhà phân tích từ Moscow cho rằng, điều này vừa có lợi cho nền kinh tế khi khiến Nga phải chuyển đổi, tái cơ cấu nông, ngư nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào châu Âu, tránh những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ chính trị sau này; vừa mang lại những tác dụng quan trọng trong xây dựng quan hệ quốc tế của Nga trong giai đoạn khó khăn này.

Vốn đã mệt mỏi vì sự cạnh tranh của thực phẩm nhập khẩu nhiều năm qua, những nhà sản xuất thực phẩm của Nga có lẽ là những người phấn khởi nhất với lệnh cấm nhập lương thực từ phương Tây. Cổ phiếu của các công ty này đã tăng vọt lên vài chục % ngay sau khi thông tin về lệnh cấm được công bố.

Báo “Nước Nga ngày nay” (Russia Today) dẫn lời đại diện Cơ quan Thủy sản Nga đánh giá lệnh cấm vận là tốt cho nước Nga. Ông này chỉ ra là lâu nay Nga phải nhập thủy sản với giá cao, ví dụ giá cá hồi Na Uy bán ở Nga cao hơn từ 8-10 lần so với giá thành thực tế.

84% dân Nga ủng hộ, Moscow sẽ đứng vững trong "tâm bão" cấm vận? ảnh 2

Nga sẽ khó khăn ở thời điểm ban đầu nhưng sẽ vượt qua được


Còn Nghị sĩ Nga Irina Yarovaya cho rằng, rất nhiều nhà sản xuất nông sản chất lượng của Nga, trước đây không tìm được đường vào siêu thị giờ sẽ có thể bán được sản phẩm, đồng thời phát triển kinh doanh. Thế nên lệnh cấm có thể gây ra những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, chắc chắn nó sẽ có lợi cho người nông dân Nga.

Theo thông báo của các quan chức Nga, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định, các mặt hàng thiết yếu và bình dân thiếu hụt sẽ không đáng kể. Có thể khẳng định tuy ban đầu nền kinh tế Nga sẽ gặp tổn thất nhưng về lâu dài Nga sẽ đứng vững.

Moscow tự tin là những nhà cung cấp nước ngoài, đến từ những quốc gia tiềm năng châu Á, châu Mỹ sẵn sàng cung cấp sản phẩm của họ thay thế cho số hàng nhập ngoại mà Nga sẽ không nhận được từ phương Tây và không thể tự sản xuất đủ số lượng cần thiết trong thời gian ban đầu.

Có thể nhận thấy rằng, lệnh cấm vận của Mỹ và EU với Nga và lệnh cấm vận đáp trả của Moscow về ngắn hạ có thể sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Nga nhưng về trung và dài hạn nó có lợi cho nền kinh tế Nga, vừa mang lại những tác dụng quan trọng trong xây dựng quan hệ quốc tế của Nga thời kỳ “hậu Ukraine”.