8 tình huống gây tranh cãi nhất lịch sử World Cup

ANTD.VN - Những pha lách luật, những tiểu xảo, những tình huống “ma”, những oan ức và giày vò… vốn là một phần không thể thiếu của bóng đá. Và ở một giải đấu lớn như World Cup, nó lại càng được thể hiện rõ nét hơn, tạo ra sự tranh cãi dường như không có hồi kết.

Màn dàn xếp lộ liễu và vụng về của Tây Đức và Áo tại Espana 1982. Cách đây 36 năm, luật bóng đá vẫn còn rất sơ khai, các trận đấu cuối cùng của vòng bảng vẫn chưa được tổ chức cùng giờ.

Để loại Algeria khỏi cuộc chơi, Tây Đức phải thắng Áo từ 1 đến 2 bàn và khi đó, 2 đội sẽ cùng giành vé đi tiếp. Màn kịch xảy ra khi Tây Đức có bàn mở tỉ số ở phút thứ 10 nhờ công của Hrubesch. Sau đó, cả 2 đội bất ngờ buông xuôi và vờn bóng trên sân trong sự la ó cho đến khi hết giờ để giữ tỉ số.

Hàn Quốc là đệ tứ anh hào thế giới năm 2002. Khi World Cup được tổ chức trên sân nhà cách đây 16 năm (cùng với Nhật Bản), Hàn Quốc để lại “tiếng thơm” là vị trí thứ tư thế giới, nhưng cách họ tiến tới vinh quang này thì không mấy vẻ vang. Cả giải, các trọng tài luôn xử ép trắng trợn đối thủ của đội chủ nhà.

Đặc biệt, ở trận đấu giữa Hàn Quốc và Italia ở vòng 1/8, trọng tài Byron Moreno đã đưa ra rất nhiều quyết định thiên vị lộ liễu để giúp đội chủ nhà giành vé đi tiếp. Ở tứ kết, đối thủ của Hàn Quốc là Tây Ban Nha cũng phải hứng chịu những tiếng còi méo tương tự.

Trận chiến Santiago (Chile 1962). Trận đấu giữa đội chủ nhà Chile và Italia ở vòng bảng được coi là một trong những trận đấu xấu xí nhất lịch sử World Cup, thậm chí nó còn được đặt tên riêng là “Battle of Santiago”.

Ẩu đả xảy ra trên sân từ giây 12 cho đến hết trận, chẳng khác nào một màn thượng đài của cầu thủ 2 đội. Thời đó, thẻ vàng và thẻ đỏ chưa ra đời nên không ai bị phạt, khiến đây trở thành trận đấu tệ hại nhất lịch sử World Cup. 

Nhận thẻ vàng thứ ba mới bị đuổi khỏi sân (Đức 2006). Khó tin nhưng đó là sự thật. Thậm chí, nó còn được tạo nên bởi trọng tài giàu kinh nghiệm Graham Poll của Anh, trong trận vòng bảng giữa Croatia và Australia.

Ông đã “quên” rút thẻ đỏ đuổi hậu vệ Simunic khỏi sân dù đã rút 2 thẻ vàng. Đến khi rút chiếc thẻ vàng thứ ba cho hậu vệ Croatia, ông mới nhận ra sai sót không thể chấp nhận của mình. 

Cú thiết đầu công của Zidane (Đức 2006). Zidane đã chia tay sự nghiệp cầu thủ theo cách bi tráng nhất, với việc thất bại ở trận chung kết cùng ĐT Pháp và còn phải nhận thẻ đỏ rời sân vì húc đầu vào ngực trung vệ Materazzi.

Dù đây là hình ảnh không được cổ súy, nhưng nhiều người thông cảm và bênh vực Zidane vì trước khi có hành động trên, anh đã bị Materazzi dùng lời lẽ thóa mạ và xúc phạm.

Bàn thắng mười mươi bị từ chối của Lampard (Nam Phi 2010). Trận đấu thuộc vòng 1/8 với đội tuyển Đức, Lampard thực hiện cú sút xa đưa bóng dội xà ngang bật xuống, đi qua vạch cầu môn rõ ràng, trước khi nảy ra. Nhưng các trọng tài khi đó lại không công nhận nó, và cuối cùng, Anh thua Đức 1-4.

Sau sự cố đáng tiếc này, FIFA đã lập tức áp dụng công nghệ Goal-line ở World Cup 2014, nhưng với riêng Lampard, đó là một nỗi buồn khó nguôi ngoai.

Pha cứu thua như một thủ môn của Luis Suarez (Nam Phi 2010). Một trong những vết nhơ lớn nhất trong sự nghiệp không yên ả của Suarez là tình huống dùng tay phá bóng cứu thua cho Uruguay, ở hiệp phụ trận tứ kết World Cup 2010 trước với Ghana. Suarez bị đuổi và Ghana được hưởng 11m, nhưng đội bóng châu Phi lại thực hiện hỏng.

Cuối cùng, Uruguay giành chiến thắng trên loạt đấu cân não và đi tiếp. Hình ảnh ăn mừng của Suarez trên đường biên sau đó khiến anh trở thành một trong những cầu thủ bị ghét nhất thế giới.

Maradona và “Bàn tay của Chúa” (Mexico 1986). Phút 51 trận tứ kết giữa Anh và Argentina, khi tỉ số đang là 0-0, từ pha phá bóng của một cầu thủ Anh, Diego Maradona lao lên tranh bóng với thủ môn Peter Shilton. Thấp hơn nên Maradona đã láu cá vung tay đập bóng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của tất cả.

Bàn thắng được trọng tài công nhận và mọi cầu thủ Anh đều phản ứng gay gắt. Dù vậy, kết quả không thay đổi. Trong buổi họp báo sau trận, Maradona thản nhiên nói một câu sau này trở thành kinh điển: “Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa”.