8 dự án, tính sai gần 1.900 tỷ đồng

ANTĐ - Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 8 dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 (chiếm hơn 50% đại dự án nâng cấp quốc lộ 1) đã chỉ ra, các nhà thầu và Bộ GTVT đã tính sai gần 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, khi kết thúc 8 dự án này và dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã báo cáo, số vốn còn thừa lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. 

Nhiều vi phạm liên quan đến vốn tại dự án nâng cấp Quốc lộ 1

Phê duyệt tổng mức đầu tư cao hơn quy định

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với 8 dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tại 8 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tổng mức đầu tư của 8 dự án này là hơn 53.000 tỷ đồng. Trong đó, phần thuộc phạm vi thanh tra có tổng chiều dài 438km (chiếm 54,9% chiều dài toàn tuyến) với mức đầu tư 27.832 tỷ đồng (chiếm 52,2% tổng mức đầu tư được phê duyệt).

Qua thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện công tác lập, phê duyệt tổng mức đầu tư ở 8 dự án này chưa chính xác với số tiền lên đến 1.866,93 tỷ đồng. Trong số này, khoản bổ sung một số hạng mục công trình chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 192,6 tỷ đồng; việc lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công không đúng 330,16 tỷ đồng; dự toán lập có khoản phụ cấp không ổn định sản xuất 10% chưa đủ căn cứ pháp lý 122,406 tỷ đồng; nghiệm thu thanh toán tăng không đúng 274,094 tỷ đồng; sử dụng khoản kinh phí dự phòng chi hỗ trợ tái định cư chưa đủ căn cứ pháp lý 237,05 tỷ đồng…

Bộ Tài chính phân tích, việc lập, trình, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư tại 8 địa phương tăng cao hơn so với chế độ quy định là 1.321,97 tỷ đồng. Cụ thể, tăng sai chi phí giải phóng mặt bằng 567,697 tỷ đồng; tăng sai về khối lượng, định mức, đơn giá hơn 396 tỷ đồng… Đối với khoản tăng sai về chi phí giải phóng mặt bằng, kết quả thanh tra chỉ rõ là do tính sai đơn giá đền bù đất; tính sai diện tích đất đền bù; tính trùng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; đền bù di dời công trình điện, thông tin liên lạc không đúng chế độ quy định.

 “Trách nhiệm trong việc để xảy ra các sai phạm trên thuộc về các ban quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư quản lý và thực hiện dự án, đơn vị tư vấn thiết kế và các nhà thầu thi công”, kết quả thanh tra Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT nêu rõ. Căn cứ kết quả thanh tra này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các ban quản lý và các đơn vị liên quan rà soát để điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư số tiền 1.866,93 tỷ đồng nêu trên. 

10 bộ, ngành quản lý, vẫn còn kẽ hở

Bộ Tài chính còn đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc phê duyệt bổ sung một số hạng mục chưa đúng quy định về sử dụng trái phiếu Chính phủ với số tiền 192,6 tỷ đồng làm căn cứ để thanh quyết toán dự án. Đặc biệt, Bộ GTVT phải kiểm điểm trách nhiệm cũng như chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với những sai phạm nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Tài chính. 

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1  được tiến hành từ năm 2013 và cuối 2015 đã cơ bản hoàn thành. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế, xã hội mà đại dự án này mang lại cho các tỉnh, thành phố cũng như người dân cả nước. Tuy nhiên, đại dự án này cũng đã và đang để lại nhiều hệ lụy, nhiều tồn tại, vi phạm được phát hiện ở hầu hết các dự án thành phần. Ví dụ, tại dự án nâng cấp đoạn Phan Thiết- Đồng Nai, kết quả thanh tra cho thấy, dự án đã tăng sai 360 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư do nhà thầu phê duyệt…  

Theo Bộ GTVT, hiện có đến 10 bộ, ngành quản lý việc cấp phép, thực hiện và giám sát hoạt động của dự án BOT. Tuy nhiên, khi thanh tra tại bất kỳ dự án nào, cơ quan chức năng đều phát hiện sai sót, nhất là việc tính toán sai tổng mức đầu tư, vượt mức quy định.  Dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao có đến 10 bộ ngành tham gia quản lý, giám sát dự án BOT mà vẫn để vi phạm xảy ra? Trong khi đó, theo quy trình, khi lập dự toán, nhà đầu tư là đơn vị đề xuất các đầu việc, xác lập các gói thầu để cơ quan Nhà nước đánh giá và phê duyệt.

Mỗi hợp đồng BOT đều được nhà đầu tư tính toán rất chặt chẽ, từ tổng mức đầu tư, tổng vốn vay, thời gian trả nợ, lãi suất và lưu lượng xe qua trạm để đề xuất vào mức phí BOT và thời gian hoàn vốn. Đặc biệt, các hợp đồng hiện nay đều có điều khoản ở dạng mở, có lợi cho nhà đầu tư, đó là được điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn nếu không đảm bảo.