8 doanh nghiệp sữa có thể "thoát" truy thu gần 1.000 tỷ đồng

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xử lý kiến nghị của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa đối với mặt hàng chất béo khan của sữa (AMF). 

8 doanh nghiệp sữa có thể "thoát" truy thu gần 1.000 tỷ đồng ảnh 1Bộ Tài chính thừa nhận mức thuế đối với các mặt hàng doanh nghiệp kiến nghị là chưa hợp lý 

Giám định khó khăn?

Trước đó, theo kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cho biết, từ trước đến nay cơ quan hải quan vẫn xác định mặt hàng AMF có thuế nhập khẩu 5%. Sau đó, trên cơ sở kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương áp mã số thuế 040590.90 với mức thuế 15% và thực hiện truy thu thuế doanh nghiệp với các lô hàng nhập từ năm 2010. Ước tính tổng số thuế bị truy thu đối với các doanh nghiệp lên đến gần 1.000 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp cho rằng, mặt hàng chất béo khan của bơ (ABF) và AMF thực chất chỉ là một và đề nghị cơ quan hải quan sử dụng cùng một mã số thuế là 0405.90,10 với thuế suất 5% khi xem xét phân loại 2 mặt hàng nêu trên. Về vấn đề này, theo quan điểm của cơ quan hải quan, đây là 2 dòng hàng khác nhau với mức thuế nhập khẩu mỗi dòng riêng biệt (thuế nhập khẩu với ABF là 5% và AMF là 15%) và dự tính truy thu khoảng 700 tỷ đồng với các doanh nghiệp sữa.

Tuy nhiên, văn bản vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc xác định bản chất hàng hóa, thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất của 2 mặt hàng AMF và ABF thông qua công tác giám định khó khăn vì đây là 2 mặt hàng dễ lẫn do thành phần tương tự nhau, cùng là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên... chỉ khác nhau ở chỉ số peroxide, nguyên liệu đầu vào và sử dụng phụ gia trong trong quá trình sản xuất. Qua tham khảo tài liệu quốc tế, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng ABF và AMF gần như là giống nhau. 

Đã sửa đổi thuế nhập khẩu xuống 5% 

Dẫn kinh nghiệm các nước trên thế giới trong việc phân định 2 mặt hàng ABF và AMF, Bộ Tài chính cho biết: “Biểu thuế xuất nhập khẩu của Mỹ, New Zealand tách riêng dòng hàng cho mặt hàng AMF và không định danh riêng dòng hàng ABF. Trong khi đó, danh mục biểu thuế các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam tách riêng dòng 8 chữ số cho mặt hàng ABF. Trung Quốc hiện phân loại chung 2 mặt hàng vào một mã số trong khi Thái Lan tách thành 2 dòng riêng biệt...”. 

Trước những phản ứng từ doanh nghiệp và Đại sứ quán New Zealand, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng chất béo khan từ sữa có mức thuế nhập khẩu ưu đãi 15% là cao nếu so sánh với mặt hàng chất béo khan của bơ (5%) và các sản phẩm khác cùng là nguvên liệu đầu vào của sản xuất, trong nước chưa sản xuất được (ví dụ dầu bơ hiện có mức thuế 5%).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những vướng mắc trên xuất phát từ chính sách, quy định về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng chất béo khan của sữa chưa hợp lý, thiếu tính minh bạch. Điều này khiến các sản phẩm có cùng thành phần cấu tạo, cùng công dụng, được sử dụng thay thế cho nhau lại có mức thuế nhập khẩu khác nhau. Mức thuế 15% cho mặt hàng nguyên liệu sản xuất là cao và bất hợp lý so với sản phẩm sữa nhập khẩu (mức thuế nhập khẩu từ 5-7%), sữa chua nhập khẩu (thuế nhập khẩu là 10%). 

Qua đó, tại văn bản Bộ Tài chính đề nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của doanh nghiệp, đã được cơ quan hải quan chấp nhận để thông quan. Đồng thời, Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi 5% đối với cả 2 mặt hàng AMF và ABF, áp dụng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016 ban hành kèm theo thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16-11-2015.