75% nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh

ANTĐ - Theo thống kê của các cơ quan y tế, ở Việt Nam đa phần các trường hợp mù lòa đều xuất phát từ những bệnh đơn giản, hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc chữa khỏi. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn để đến tình trạng mù hai mắt do chủ quan, do e ngại đi bệnh viện, sợ phẫu thuật…
75% nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh ảnh 1

Kết quả điều tra về bệnh mù lòa có thể phòng tránh được thực hiện tại 14 tỉnh cho thấy, tỷ lệ mù lòa toàn quốc hiện nay là gần 2%, giảm gần 2 lần so với giai đoạn 2000-2002. Tuy nhiên số lượng người trên 50 tuổi với thị lực kém 2 mắt tăng lên. Nghiên cứu cũng cho thấy tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi hơn 44% người được nghiên cứu có tình trạng từ giảm thị lực đến mù lòa cả hai mắt, trong khi ở các tỉnh khác dao động 15%-30%.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây thị lực kém cả hai mắt của người dân (chiếm 75%), tiếp theo là bệnh bán phần sau, biến chứng sau phẫu thuật đục thể thủy tinh, glocom… Trong năm 2015, số lượng người mù 2 mắt do đục thủy tinh thể chỉ giảm nhẹ trong khi số người có thị lực cả 2 mắt kém do đục thủy tinh thể tăng lên gấp đôi. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 75% nguyên nhân gây mù 2 mắt ở người trên 50 tuổi của 14 tỉnh được điều tra có thể chữa được. Tình trạng mù lòa do đục thủy tinh thể chủ yếu do chính người dân không đi phẫu thuật thể thủy tinh, trong đó một nửa số người không đi phẫu thuật vì sợ kết quả phẫu thuật kém và do không có tiền chi trả. 19% số người không đi phẫu thuật vì chủ quan, cảm thấy không cần thiết.

Với những lý do trên, đa phần người bệnh đục thủy tinh thể đều tiến hành phẫu thuật khi bệnh đã ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ cải thiện thị lực sau phẫu thuật chưa cao. Như tại Bắc Ninh, tỷ lệ đạt kết quả tốt sau phẫu thuật đục thể thủy tinh chỉ đạt 41%, Quảng Ngãi (72%)… Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ thị lực hồi phục tốt sau mổ phải đạt từ 80% trở lên.

Để giảm tỷ lệ mù lòa không đáng có, việc nâng cao nhận thức của người dân với các bệnh lý về mắt là vô cùng quan trọng. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị để cải tiện tình trạng trên cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh ở mắt gây mù, để người dân có hiểu biết chính thống về các bệnh lý này và có thể quyết định đi phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ thị lực hồi phục sẽ tốt hơn so với phẫu thuật muộn. Theo các chuyên gia, cần tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh từ 1.869 ca hiện nay lên ít nhất 4.000-5.000 ca mỗi năm; tăng số lượng các ca phẫu thuật thể thủy tinh hàng năm lên ít nhất 10%.