7 bài thuốc cổ Trung Hoa được lưu truyền đến ngày nay

ANTĐ - Trong cuốn “Bản thảo cương mục” nổi tiếng của y học cổ truyền Trung Hoa có ghi: “Giun là nguyên liệu sản xuất 40 bài thuốc, chữa được rất nhiều loại bệnh”. Thực tế, nhắc đến giun đất, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến những công dụng quen thuộc, bình dân của động vật này như phân hủy đất, thức ăn cho một số động vật khác chứ ít ai biết rằng giun đất là một vị thuốc quý được Trung Hoa sử dụng hàng nghìn năm nay để chữa bệnh. 

Y văn gọi vị thuốc từ giun đất là Địa long (Rồng đất). Nghiên cứu hiện đại cho thấy trong giun đất chứa chất Lumbriferin giúp thanh nhiệt, hạ sốt. Các thành phần đạm có trong giun đất có tác dụng kháng Histamin, làm giãn khí quản. Điều này lý giải việc y học cổ truyền thường dùng Địa long để trị hen suyễn, viêm phế quản, khó thở... Giun đất cũng chứa hàm lượng rất cao Axít Linoleic, cùng khoáng chất vi lượng chống oxy hóa Selen giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng trong cơ thể. Trong các tác dụng của giun đất thì tác dụng với bệnh tăng huyết áp được chú ý và quan tâm nhiều nhất. Giun đất vừa giúp hạ huyết áp vừa giúp dự phòng tai biến mạch máu não…

Những bài thuốc trị bệnh có vị Địa long: 

Bài 1: Địa long khô 8g, xuyên ô đầu 8g, thảo ô đầu 8g, thiên nam tinh 8g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Tất cả nghiền thành bột, phun rượu sau đó làm hồ hoàn. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc kinh giới hay nước sắc thang tứ vật (thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g). Dùng cho chứng bệnh thấp nhiệt gây sưng nóng đỏ đau khớp, đi tiểu vàng mà ít. Tác dụng hoạt lạc, giảm đau.

Bài 2: Địa long 12g, liên kiều 12g, câu đằng 16g, kim ngân hoa 16g, bọ cạp 4g. Sắc uống. Hoặc lấy địa long 12g, chu sa 4g, làm thành hoàn. Mỗi ngày uống 4g. Tác dụng thanh nhiệt, cắt cơn kinh giật, tốt cho người sốt cao co giật.

Bài 3: Địa long đỏ, củ tỏi, lá khoai lang, liều lượng bằng nhau. Giã nát, đắp lên rốn. Có thể uống kèm với các thuốc lợi niệu. Tác dụng lợi niệu thông lâm; dùng khi thấp nhiệt làm cho tiểu tiện không lợi, hoặc bí đái do kết sỏi.

Bài 4: Địa long 12g sắc uống. Có thể lấy địa long nghiền thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Dùng cho các chứng bệnh ho, hen suyễn, trẻ em ho gà... do hỏa nhiệt.

Bài 5: Địa long, cam thảo sống, liều lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Trị hen phế quản.

Bài 6: Địa long 12g, vỏ rễ xoan 12g, hậu phác nam 12g, gừng 8g, trần bì 8g, dây thần thông 8g. Tất cả phơi khô, tán bột, làm hoàn. Uống 2 lần trong ngày. Chữa sốt rét.

Bài 7: Rượu địa long: địa long chế 40g, rượu 60đô 100ml cùng đem ngâm trong 3 ngày, dùng vải xô lọc thành rượu địa long 40 độ. Mỗi lần uống 10ml. Ngày 3 lần, dùng cho các trường hợp kinh giật, sốt rét cơn, phong thấp…