Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

7,3 tỷ USD được gửi ra nước ngoài không phải diễn biến bất thường

ANTĐ - Trước những ý kiến lo ngại về con số tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trong nước ra nước ngoài lên tới 7,3 tỷ USD, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đây là điều hoàn toàn bình thường trong hoạt động ngân hàng.

7,3 tỷ USD được gửi ra nước ngoài không phải diễn biến bất thường ảnh 1Gia tăng tiền gửi ở nước ngoài không phải do chính sách chống USD hóa

Tiền gửi USD tăng đột biến

Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố, số liệu thống kê đến quý III năm 2015 cho thấy cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng 8-2016. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý III năm 2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. 

Hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VEPR cảnh báo: “Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo chặt chẽ. Theo giả thiết của chúng tôi, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng bẫy thanh khoản với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng”. 

Một số giả thiết khác được đưa ra, đó là lãi suất huy động và cho vay USD vốn dĩ đã ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá tiền tệ, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả, các ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Theo các chuyên gia, nếu giả thiết này đúng thì tình trạng ngoại tệ gửi ra nước ngoài trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ. 

Ngân hàng Nhà nước nói “bình thường”

Trước các ý kiến cho rằng, việc người Việt Nam gửi 7,3 tỷ USD ra nước ngoài trong quý III-2015 là bất thường, trao đổi với báo chí, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, con số thống kê 7,3 tỷ USD tiền gửi ra nước ngoài đã không được nhìn nhận đúng bản chất.

Ông Tô Huy Vũ nói: “Đúng là có con số 7,3 tỷ USD và số liệu này đã được phản ánh trong hạng mục đầu tư trên bảng cán cân thanh toán quý III-2015 mà NHNN đã công bố trên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn hạn, trung và dài hạn của nền kinh tế”.

Cụ thể, quý III-2015, tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại tăng thêm 5,9 tỷ USD. Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, tổ chức tài chính…). 

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong quý  III-2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước đó.

Trước sự kiện đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất, làm gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD nên doanh nghiệp và dân cư có xu hướng găm giữ ngoại tệ. Kéo theo đó, các ngân hàng thương mại mang tiền ra nước ngoài gửi nên số USD được gửi ra nước ngoài tăng mạnh. Tuy nhiên, diễn biến này không có gì bất thường. Cũng theo đại diện của NHNN, ý kiến cho rằng việc gia tăng tiền gửi ở nước ngoài là do tác động của chính sách lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% là không chính xác vì lãi suất này được thực hiện từ quý IV-2015.

NHNN cũng cho biết, lượng tiền gửi USD từ các tổ chức tín dụng ra nước ngoài vào quý III-2015 chỉ dao động trung bình từ 2-3 tỷ USD. Đây là diễn biến tương đối ổn định, không có gì bất thường như con số mà VEPR đưa ra trước đó.