64 y bác sĩ Việt Nam lần đầu tiên thực hiện ghép phổi từ người cho chết não

ANTD.VN -Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ cho người chết não ở Việt Nam, với kíp mổ gồm 64 y bác sĩ, thực hiện ghép trong suốt 10 tiếng liên tục…

Sau ca ghép phổi từ người cho chế não tại Bệnh viện 108, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Hanh đã tiến triển tốt

Sáng nay, 16-3, Bệnh viện 108 thông tin cho biết, ca ghép đặc biệt kể trên vừa được các bác sĩ của Viện này thực hiện vào ngày 26-2.

Bệnh nhân được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định). Ông Hanh được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, tình trạng rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Người hiến phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi, bị chết não. Bệnh nhân không may mắn này đã hiến đa tạng, gồm thận, phổi, giác mạc, tim… để ghép cho 6 bệnh nhân khác.

Trong đó, ghép thận cho 1 bệnh nhân và ghép giác mạch cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện 108. Một quả thận còn lại và tim được vận chuyển xuyên Việt để thực hiện ghép thận và tim cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, ca ghép phổi thực hiện tại Bệnh viện 108 chính là ca phẫu thuật ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam, do e kíp bác sĩ của Việt Nam (hầu hết là y bác sĩ bệnh viện 108) trực tiếp thực hiện. GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là “tổng chỉ huy” điều hành tổ chức ca ghép.

Để thực hiện ca ghép phổi lịch sử này, Bệnh viện 108 đã huy động lực lượng hùng hậu gồm 64 y, bác sĩ, kỹ thuật viên… thuộc Ban chỉ đạo, Ban điều phối – thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài (từ Pháp, Bỉ...). Ca ghép được thực hiện trong suốt 10 tiếng liên tục (từ 10 đến 18 giờ).

Đến thời điểm này, gần 20 ngày sau khi được ghép phổi, bệnh nhân được ghép phổi đã tỉnh, tiếp xúc tốt, phim chụp X-quang cho thấy 2 phổi sáng, hoà nhập với cơ thể người nhận. Bệnh nhân tự đi lại trong phòng bệnh cách ly và có thể trò chuyện được.